Bạn có biết rằng Arkansas, Florida, Mississippi, Tennessee và Texas đều có cùng một loài chim biểu tượng? Đó chính là chim nhại (Northern mockingbird) – “kẻ đạo nhạc” lừng danh của thế giới loài chim. Tên khoa học của nó, Mimus polyglottos, nghĩa là “kẻ bắt chước nhiều thứ tiếng.” Chúng có thể giả giọng đủ loài chim như hồng y, giẻ cùi xanh, các loài tu hú, thậm chí bắt chước cả tiếng còi xe, cửa kẽo kẹt hay báo động xe hơi.
Trong họ hàng chim nhại có hơn 14 loài khác nhau. Và hầu hết những loài này đều nổi tiếng vì khả năng “bắt chước.” Nhưng vì sao chim nhại lại tốn công “nhại” tiếng của đủ loài khác? Chúng có lợi ích gì khi làm vậy? Và liệu chúng có ngừng học giọng mới khi đã trưởng thành?
TS Dave Gammon, nhà sinh học tại Đại học Elon (Bắc Carolina), là người có hơn 10 năm nghiên cứu về chim nhại. Trước đây, các nhà điểu học từng nghĩ chim nhại có khả năng học giọng mới suốt đời (gọi là “học mở”), giống như vẹt hay sáo châu Âu. Nhưng theo nghiên cứu của Gammon, hóa ra điều này không đúng. Ông so sánh nhiều bản ghi âm suốt nhiều năm từ 15 cá thể chim nhại khác nhau. Kết quả cho thấy, kho “nhạc” của mỗi con không hề tăng dần theo tuổi. Điều này chứng tỏ chim nhại học phần lớn giọng mới lúc còn non, sau đó giữ nguyên vốn bài hát ấy suốt đời.
Về mặt thần kinh, học hát ở chim không đơn giản. Ở những loài “học đóng” như chim vằn zebra finch, chim non chỉ có khoảng một năm để học hết tất cả âm thanh cần thiết cho cuộc sống. Sau thời gian này, khả năng học của não sẽ giảm đi rõ rệt vì một vùng não gọi là LMAN nhỏ lại, số lượng tế bào thần kinh giảm, kèm theo nhiều thay đổi sinh hóa khác. Hiện chưa có nghiên cứu chi tiết nào về não chim nhại non, nên chưa rõ chúng có trải qua quá trình tương tự hay không.
Trong tự nhiên, rất nhiều loài dùng chiêu “bắt chước.” Rắn sữa vô hại giả vờ giống rắn san hô kịch độc để dọa kẻ thù. Rùa cá sấu dùng lưỡi giả như sâu để dụ cá. Một số loài chim cũng tận dụng khả năng này. Ví dụ, chim drongo đuôi chạc ở châu Phi giả giọng kêu báo động của loài khác để hù dọa chúng chạy đi rồi tranh thủ cướp thức ăn. Chim bowerbird đực bắt chước đủ loại âm thanh để thu hút bạn tình – chim nào giả giọng càng “ngọt” thì càng dễ kiếm được bạn đời.
Còn chim nhại thì sao? Các nhà khoa học vẫn chưa chắc. Dù có thể bắt chước rất nhiều âm thanh, các loài chim khác như chim cổ đỏ hay chim hồng y thường chẳng mấy để tâm khi chim nhại giả giọng của chúng. Điều đó cho thấy chim nhại không nhất thiết bắt chước để lừa loài khác.
Một con chim nhại đực trưởng thành có thể phát ra tới 200 âm thanh khác nhau, bao gồm cả “bài riêng” của nó, không bắt chước bất kỳ loài nào. Chim nhại có xu hướng bắt chước những âm thanh gần với nhịp điệu và tông giọng tự nhiên của chúng. Vì sao lại như vậy? Chưa ai biết chắc.
“Với tôi, câu hỏi vì sao chim nhại lại bắt chước vẫn chưa có lời giải chắc chắn,” Gammon nói. “Trong khoa học, đôi khi tốt hơn hết là chấp nhận sự chưa rõ ràng, còn hơn kết luận vội để rồi sai. Hy vọng dữ liệu trong tương lai sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn.”