Loài chim chân xanh (Sula nebouxii) có thân hình thuôn dài, đôi cánh nâu, chiếc mỏ nhọn và đặc biệt là đôi chân xanh biếc — yếu tố quan trọng quyết định chuyện tình duyên. Những con trống thực hiện một điệu nhảy tán tỉnh độc đáo: nâng từng chân lên, sải rộng cánh, ngẩng cao đầu và phát ra tiếng kêu rỗng như vang vọng từ xa. Tất cả chỉ để gây ấn tượng với nàng bằng… độ “xanh” của bàn chân. Màu xanh này không phải ngẫu nhiên, mà đến từ chế độ ăn giàu cá tươi – chủ yếu là cá mòi, cá cơm và đôi khi cả mực. Một con chim khỏe mạnh sẽ có chân xanh đậm, sáng bóng – dấu hiệu hấp dẫn đối với bạn tình tiềm năng.
Tên gọi “booby” xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha “bobo”, nghĩa là “ngốc nghếch” – do loài chim này di chuyển vụng về trên đất liền và thường tiếp cận con người một cách ngây thơ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngờ nghệch ấy là những khả năng đáng nể: chúng là những thợ săn siêu hạng, có thể lao xuống từ không trung với tốc độ cao để bắt cá ngay khi chúng vừa lộ lên từ các dòng nước lạnh giàu dưỡng chất ngoài khơi Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong mùa sinh sản, chim bố mẹ thay phiên nhau đi kiếm ăn và ấp trứng – một sự hợp tác đáng nể của loài chim biển.
Dù nổi tiếng với vẻ ngoài bắt mắt và tập tính thú vị, cuộc sống của chim chân xanh không hề dễ dàng. Tổ của chúng chẳng cầu kỳ mà chỉ là một hõm đất được “xây” bằng… phân. Các cặp chim chỉ gắn bó trong một mùa sinh sản, và sự cạnh tranh giữa các con non diễn ra khốc liệt – những con nở sớm có thể giết chết em mình để giành thức ăn. Thậm chí, chim trống còn có thể phá trứng nếu nghi ngờ không phải con của mình.
Khoảng một nửa số lượng chim chân xanh sống tại quần đảo Galápagos – nơi được bảo vệ nghiêm ngặt như một công viên quốc gia và khu dự trữ sinh học biển. Số còn lại phân bố dọc theo bờ biển Thái Bình Dương của châu Mỹ, từ Mexico đến Peru. Tuy nhiên, số lượng của chúng đang giảm mạnh do nguồn cá suy giảm. Riêng tại Galápagos, từ khoảng 20.000 cá thể trưởng thành, đến năm 2018, chỉ còn chưa đầy 6.500 con được ghi nhận.
Chim chân xanh không chỉ là minh chứng cho sự đa dạng sinh học của vùng biển Nam Mỹ, mà còn là lời nhắc nhở rằng: vẻ đẹp kỳ lạ của thiên nhiên luôn mong manh trước sự thay đổi của khí hậu và hoạt động con người.