Ngày 27/8/2016, tại Hội thảo “Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại “ do Viện Hán Nôm tổ chức, PGS.TS Đoàn Lê Giang đã khiến dư luận “dậy sóng” nhiều ngày, nhiều tuần sau đó với quan điểm: “Cần dạy chữ Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt”. Rồi mới đây, GS Ngô Bảo Châu lại “gây bão” khi một tờ báo đăng bài quan điểm của ông, rằng: “Lựa chọn học tiếng Trung Quốc là tiến bộ”, sau đó thay bằng “GS Ngô Bảo Châu ủng hộ tự lựa chọn học tiếng Trung, Nga” phù hợp hơn… Cả hai vị học giả danh tiếng như bị “phê” nhiều hơn khen.

Tôi, một sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM nhập học đúng thời điểm mà Khoa không đưa môn Hán – Nôm vào nội dung đào tạo, nên cũng như nhiều đồng môn, ngoài trình độ Anh ngữ “tương đương B”, tiếng Nga, Nhật,… đều “nghe được hết”, tiếng Hàn Quốc thì hiểu “Ù pa”, riêng Hán – Nôm một nửa chữ cũng … mù tịt. Nên giờ nếu tôi thích thú trước việc “Hán – Nôm vào trường học”, cũng khó ai chửi được cái tội “dốt” và “khát chữ”.
Ngẫm kỹ, thấy tôi và nhiều bạn bè quen nghe danh “Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, nhưng chúng tôi chẳng biết bài thơ Nôm nào của bà, ngoài những bài thơ Bánh trôi nước, hay bài thơ Quả mít, rằng: “Thân em như quả mít trên cây/Da nó xù xì múi nó dày/Quân tử có yêu xin đóng cọc/Đừng mân mó nữa nhựa ra tay” với những câu từ dung dị, đời thường, chở nặng những tủi nghẹn phận đàn bà thời phong kiến. Những bài thơ Nôm nào đã đưa Hồ Xuân Hương vào sử sách, tôn bà thành “bà chúa” làng thơ Việt nhỉ?
Tôi và nhiều bạn bè vẫn luôn nắm chặt tay khi đọc “Nam quốc sơn hà”, nhưng “nhữ đẳng” là gì, là “chúng bay” hay chính là chỉ quân Đại Việt ta, với dụng ý “tại sao quân giặc xâm phạm mà các ngươi lại cam lòng chịu thất bại”? Tới nay, đại từ nhân xưng này vẫn còn ít nhiều gây tranh cãi về ý nghĩa, chúng tôi không dám bàn tới, vì chẳng biết gì, thật!
Những ngày qua, TP.HCM ngập lụt sau cơn mưa nặng hạt kéo dài đã khai sinh ra một cụm từ ngập tràn Facebook: SÀI GÒN THẤT THỦ. Cụm từ “nóng” này có lẽ sẽ tồn tại rất lâu, sẽ sinh sôi nảy nở trong mùa mưa ở Hà Nội, TP.HCM nếu công tác chống ngập vẫn tậm tịt, thiếu minh bạch như hiện nay.
Trên trang facebook cá nhân, nhà thơ Thục Linh có chia sẻ: Thất thủ là từ Hán Việt chỉ việc để mất, không giữ được. Chỉ riêng chữ Thất có bộ đại trong thất thủ đã có 3 nghĩa cơ bản là làm mất, lỗi lầm và bỏ qua. Đó là để phân biệt với Thất có bộ hễ trong thất phu, Thất có bộ miên trong tịnh thất, Thất có bộ nhất trong số đếm… hầm bà lằng xán cấu.
Khi Thục Linh chốt lại: “Trận mưa hôm qua cho thấy, nếu có ghét tiếng Trung thì cũng nên tìm hiểu tiếng Hán Việt, dù chẳng để làm gì thì chém gió Facebook cũng phần phật và gây cảm hứng cộng đồng lớn hơn. Rứa thôi, chứ năm nào mà chả ngập!”, tôi có hỏi anh quan điểm về Hán văn, Hán Nôm, anh nói đại ý: Nếu cậu chê TS Đoàn Lê Giang nói sai, hãy xem lại các comment của cậu có đúng chính tả, ngữ pháp không nhé. Đồng thời anh cũng chia sẻ rằng mình rất bận, “mệt”, biên một “tút” nhọc công bằng cả bài báo, thứ đang giúp anh kiếm nhuận bút nuôi con và nuôi cả “giấc mơ bốn bánh”…
Còn chúng ta, chúng ta hiểu từ “Thất” ở đây là gì? Là “mất” hay “lầm lỗi”, hay “Thất” cũng na ná “Thất” trong “Thạch Thất” – một huyện ven đô phía tây Hà Nội, nơi người dân có giọng nói nghe rất ư dễ thương?

Trở lại cách dẫn dắt của TS Đoàn Lê Giang, ông cho rằng việc từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc. TS Đoàn Lê Giang còn dẫn ví dụ, ở Nhật, người tốt nghiệp phổ thông phải biết ít nhất 1.945 chữ Hán, đến hết ĐH thì phải biết khoảng 3.000 chữ. Trung Quốc cũng yêu cầu số lượng tương tự. Hàn Quốc thì hết phổ thông, học sinh phải biết khoảng 1.000 chữ. Chỉ có Việt Nam là không đặt ra yêu cầu này. Và những nơi TS Đoàn Lê Giang được mời dạy chữ Hán Nôm (học sinh tiểu học) cho thấy những học sinh được học chữ Hán Nôm hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn những học sinh khác không được học.
TS Đoàn Lê Giang nêu quan điểm như trên có phải mong muốn nhà nhà cho con em đi học Hán – Nôm, trường trường chạy đua mở lớp Hán – Nôm… để ông được nhiều lời mời dạy, nhận thù lao cao hơn? Với danh tiếng, chỗ đứng của ông, tuổi tác nữa, quan điểm ấy còn là gì nếu không phải là sự nặng lòng, là tâm huyết của một nhà khoa học xã hội với thế hệ trẻ, với đất nước?
Đây đó có lời rằng, việc chúng ta cự tuyệt Hán văn là biểu hiện của sự sợ hãi. Trung Hoa đã bị xâu xé như thế nào khi nhà Thanh bế quan tỏa cảng? Còn Nhật Bản cường thịnh ra sao khi thời Minh Trị, họ chấm dứt chính sách”tỏa quốc”, đón nhận bộ veston và mái tóc gọn ghẽ của các quý ông tới từ nước Anh, Hoa Kỳ, rồi đưa được các di sản văn hóa dân tộc mình lên đỉnh cao nhân loại tới tận ngày nay?
Lại chuyện GS Ngô Bảo Châu, một thiên tài Toán học. GS Châu ủng hộ học tiếng Nga (tất nhiên là tự chọn). Tại sao chúng ta lại sợ tiếng Nga – ngôn ngữ của một dân tộc với chiều sâu lịch sử, văn hóa mà chúng ta dành cả cuộc đời cũng không thể khám phá hết? Hay dễ hơn, ta sẽ mất bao nhiêu năm để nhớ hết tên và đặc trưng của các loại Vodka Nga, và làm thế nào để hiểu được vì sao người Nga uống rượu nhiều như thế mà vẫn để lại vô vàn báu vật về khoa học kỹ thuật cho nhân loại? Chả nhẹ họ nghiên cứu, phát minh, sáng chế trong những tiệc nhậu tưng bừng, có thể lắm.

Một người anh, cũng là một nhà báo nổi tiếng từng nói với tôi về nước Nga, trong cơn chếnh choáng, rằng một đất nước vĩ đại cả về diện tích, chiều sâu văn hóa, tầm trí tuệ lẫn những nghịch lý mà người dân một nước nhỏ bé như chúng ta rất khó hình dung. Đất nước ấy, có những con búp bê Matrioska, mở mãi bên trong vẫn là những búp bê Matrioska, hết con này tới con khác, nhỏ, rồi nhỏ nữa, nhỏ đến vô cùng. Đất nước ấy, có cái hồ gì tên Baikal, có thể nhét gọn lỏn trong nó vài quốc gia châu Âu, và hồ Tây, hồ Ba Bể của chúng ta chỉ nên gọi là… vũng nước, thì có gì phải sợ, phải ngại mà không khám phá, nếu có thể?
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần chúng ta. Ngôn ngữ cũng nằm trong ấy. Không ai có thể nhét vào đầu, bắt chúng ta truyền từ đời này sang đời khác, nếu thứ văn hóa đó không phù hợp, không đáng để lưu giữ và trao gửi cho thế hệ sau, như một tài sản. Và khi ấy, văn hóa ấy là của chúng ta, hay chữ Hán, chữ Hôm, hay thứ ngôn ngữ nhanh như điện xẹt của các anh chàng Ivan vạm vỡ cũng thế, là của chúng ta. Tôi nghĩ thế!
Và tôi nhớ, hình như ngạn ngữ Do Thái có câu “Thêm một trường học là bớt một nhà tù”. Trong thời đại mà đời sống xung quanh gia đình, nhà trường quá nhiều cám dỗ, có lẽ thêm một lớp học thôi đã bớt được cả một nhà tù rồi, thì nếu đắp đủ các điều kiện cần thiết, có sự chủ động, tự chọn, sao ta không học?
Hán – Nôm vào trường học, thú vị thật chứ!
Nội dung này tôi chia sẻ trên: http://congluan.vn/han-nom-vao-truong-hoc-thu-vi-do-chu-dua/