The Shining là bộ phim kinh dị được đánh giá là hay nhất mọi thời đại, và trở thành bộ phim kinh điển cho dòng phim kinh dị. Tuy nhiên, trước khi được nhìn nhận như bây giờ, The Shining từng bị xem là bộ phim dở tệ do không khiến khán giả “thực sự sợ hãi”.
Mục lục
The Shining: Từ bộ phim kinh dị bị chê bai thậm tệ..
Vào những năm thập niên 80’s, phim kinh dị được nhìn nhận khá đơn giản. Các nhà làm phim kinh dị lúc đó chỉ xoáy vào mục tiêu duy nhất là khiến cho người xem phim cảm thấy sợ hãi.
Cũng vì vậy, khi The Shining được chiếu lần đầu vào năm 1980, tựa phim kinh dị của đạo diễn Stanley Kubrick đã không được đánh giá cao, ngược lại bị đánh giá thấp một cách thậm tệ.
The Shining dù được đầu tư lên đến 19 triệu USD, nhưng vào thời điểm đó bị xem là 1 thất bại của dòng phim kinh dị. Phim bị đề cử giải Mâm Xôi vàng cho đạo diễn và nữ diễn viên chính.
Stanley Kubrick bị đề cử đạo diễn dở nhất, còn Shelley Duvall – nữ diễn viên chính của The Shining cũng bị đề cử nữ diễn viên tệ nhất.
Với tâm lý đó, The Shining trở thành bộ phim duy nhất trong số 9 phim cuối cùng của Kubrick không nhận được bất kỳ đề cử Oscar hay Quả cầu vàng nào.
Rất nhiều năm sau này, các nhà phê bình điện ảnh mới nhìn nhận bộ phim một cách công tâm và nghiêm túc hơn. Sau nhiều nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc, The Shining từ một tác phẩm bị chê bai hết lời đã trở thành tác phẩm điện ảnh kinh điển của dòng phim kinh dị.
…đến tác phẩm kinh điển mọi thời đại của dòng phim kinh dị
Phải mất nhiều năm sau đó, giới phê bình mới nhìn nhận bộ phim một cách nghiêm túc hơn để giờ đây, The Shining được xem là một tác phẩm kinh điển của thể loại phim kinh dị. Điều mà The Shining đã khiến cho các nhà phê bình nhìn nhận và đánh giá cao nhất, chính là cái nhìn của Stanley Kubrick.
Công chiếu đầu tiên vào năm 1980, đạo diễn Stanley Kubrick đã đi trước thời đại khi dám đi ngược lại thị hiếu của công chúng và cả giới phê bình. The Shining nhờ đó trở thành bộ phim kinh dị khác biệt hoàn toàn, làm thay đổi nhìn đơn giản về phim kinh dị.
Sau này, ngay cả Martin Scorsese, đạo diễn các bộ phim hình sự tội ác như Taxi Driver (1976), Goodfellas (1990), Điệp vụ Boston (2006) cũng đã đánh giá phim The Shining là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất của mọi thời đại.
Đánh giá về cốt truyện, có thể thấy The Shining sử dụng mô-típ “ngôi nhà ma ám”, một kiểu cốt truyện vô cùng quen thuộc trong các bộ phim kinh dị. Nhiều người cho rằng cốt truyện của nhà văn huyền thoại Stephen King dù được diễn tả hấp dẫn nhưng cấu trúc câu chuyện khá là dễ đoán.
Khách sạn Overlook.
Một gia đình dọn đến một nơi ở mới. Địa điểm này có hoặc không nhiều truyền thuyết hoặc nguồn gốc đáng sợ. Dĩ nhiên, cuộc sống của gia đình dọn tới bắt đầu tràn ngập những hiện tượng kì lạ. Một thành viên của gia đình dần dần trở nên bất ổn. Và cuối cùng là màn đối đầu giữa họ và thế lực siêu nhiên nào đó ở trường đoạn cao trào.
Tuy nhiên, cái hay của đạo diễn Stanely Kubrick không nằm ở câu chuyện hay thủ pháp điện ảnh gây sợ hãi. The Shining của Stanely Kubrick xoáy vào diễn biến tâm lý nhân vật, và điều này khiến bộ phim trở nên đặc biệt.
Nhịp phim chậm rãi, kết hợp cùng một loạt những hiệu ứng âm thanh chân thực và những góc máy rộng đặc tả khách sạn Overlook, và chuỗi footage độc đáo khi cho camera bám sát theo cảnh cậu bé Danny đạp xe quanh sảnh khách sạn.
Stanley Kubrick thật sự đã dồn tâm huyết vào trong những phân cảnh dù là nhỏ nhất của bộ phim. Ông còn là một người khó khăn và kĩ tính khi mỗi cảnh quay ông đều muốn nó phải thật hoàn hảo, cho dù điều đó có nghĩa là diễn viên phải đóng đi đóng lại một đoạn thoại đến trăm lần.
The Shining đã kết thúc số phận của Jack, nhưng nó chỉ là khởi đầu cho Danny Torrance, đứa trẻ sống sót qua cơn loạn trí của cha nhờ vào quyền năng “The Shine” kì lạ cho phép cậu nhìn thấy những viễn cảnh của quá khứ lẫn tương lai.
Sau The Shining, Stephen King tiếp tục câu chuyện của Danny Torrance sau biến cố năm xưa bằng cuốn tiểu thuyết khác cũng hấp dẫn không kém là Doctor Sleep.
Bộ phim sẽ đưa người xem quay về khách sạn Overlook một thời và đặt Danny vào thế đối đầu trực tiếp vơi bóng ma quá khứ. Đồng thời, bộ phim cũng sẽ đặt dấu chấm hết cho nỗi bi kịch của nhà Torrance.
Nội dung phim The Shining
The Shining là bộ phim kinh dị được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn huyền thoại Stephen King.
The Shining kể về cuộc sống của nhà Torrance với các nhân vật như Jack Torrance, Wendy và Danny, sống trong khách sạn mang tên Overlook. Overlook là một khách sạn hạng sang, nằm biệt lập trên một vách đá cách thị trấn gần nhất 25 dặm.
Theo tiểu thuyết của Stephen King, khách sạn Overlook được xây dựng trên nền một nghĩa địa thổ dân Da đỏ. Khách sạn thường đóng cửa vào mùa đông do tuyết khiến việc giao thông bị tắc nghẽn.
Câu chuyện bắt đầu khi cha của Jack Torrance trúng tuyển trở thành người trông coi khách sạn sang trọng này trong suốt mùa đông. Trước Jack, người trông khách sạn tiền nhiệm là Charles Grady đã không chịu nổi sự tù túng bức bối, ngột ngạt nên dần dần biến đổi, hắn đã tàn sát cả gia đình gồm vợ và hai con gái nhỏ bằng cách chặt họ ra từng khúc rồi tự sát.
Tuy đã được nói về Charles Grady, Jack vẫn nhận công việc này với hy vọng có thể tận dụng sự cô lập của khách sạn để tìm cảm hứng viết sách.
Tuy nhiên, kể từ khi ông nhận lời trông coi khách sạn Overlook, Jack đã đẩy gia đình mình vào chỗ nguy hiểm không biết trước.
Jack đưa gia đình mình đến ở lại khách sạn Overlook nhưng không hề biết ông đang bắt đầu một câu chuyện bi kịch.
Ở Boulder nơi mà gia đình Jack sinh sống, con trai của Jack có một linh cảm đáng sợ về khách sạn này đó là máu chảy ra từ cửa thang máy của khách sạn.
Vợ của Jack, Wendy (Shelley Duvall), nói với bác sĩ (Anne Jackson) rằng Danny có một người bạn tưởng tượng tên là Tony, và Jack cũng đã bỏ rượu sau một lần làm trật vai Danny do quá say.
Cả gia đình đến khách sạn vào ngày đóng cửa và được mời tham quan một vòng. Bếp trưởng Dick Hallorann (Scatman Crothers) làm Danny bất ngờ khi cho cậu bé kem. Dick giải thích với Danny rằng cậu ấy và bà nội đều có chung khả năng ngoại cảm được Dick gọi là “shining”.
Danny hỏi rằng liệu có gì đáng sợ trong khách sạn không, đặc biệt là ở Phòng 237. Hallorann nói với Danny rằng khách sạn vốn có “nhiều lịch sử” đi kèm và không phải tất cả đều tốt. Ông ta cũng bảo Danny tránh xa Phòng 237 ra.
Một tháng trôi qua, chuyện viết lách của Jack chẳng đi tới đâu. Wendy thì chăm chú vào những công việc của khách sạn. Danny thì dạo chơi khắp các hành lang và lối đi của khách sạn bằng xe ba bánh và thi thoảng bắt gặp hồn ma của hai đứa trẻ nhà Grady và những hình ảnh đáng sợ.
Jack cảm thấy thất vọng và bắt đầu có những biểu hiện lạ, anh trở nên nóng tính và bạo lực hơn. Danny tò mò về Phòng 237 khi vô tình thấy cửa phòng mở.
Lúc sau, Wendy tìm thấy Jack đang la hét do gặp ác mộng khi ngủ quên trên chiếc máy đánh chữ của anh. Sau khi bị đánh thức, Jack kể rằng anh ta mơ thấy mình đã giết Wendy và Danny. Danny chạy đến với vết bầm trên cổ khiến Wendy buộc tội Jack vì nghĩ rằng Jack đã đánh Danny.
Jack bực bội đi vòng quanh khách sạn và đến phòng Gold Room, gặp con ma bartender tên Lloyd (Joe Turkel). Lloyd đưa cho Jack một ly bourbon trong khi Jack phàn nàn về cuộc hôn nhân của mình.
Lát sau Wendy chạy đến và nói với Jack rằng Danny kể với cô có “một người đàn bà điên đang trốn trong phòng 237” cố hãm hại cậu bé. Jack điều tra Phòng 237 và bắt gặp một hồn ma phụ nữ nhưng lại không kể cho Wendy biết anh đã thấy gì.
Wendy và Jack cãi nhau về việc có nên đưa Danny tránh xa khách sạn không thì Jack bực tức bỏ về phòng Gold Room, lúc này đầy ấp những hồn ma đang tán gẫu. Anh ta gặp hồn ma Grady (Philip Stone) và bị cám dỗ rằng Jack nên “chuẩn mực lại” vợ và con của anh và rằng Danny đang dùng bản năng của mình để chống đối Jack nhằm đưa Hallorann về làm vị trí quản gia cho khách sạn.
Jack quyết tâm hành động theo chỉ dẫn của Grady. Cùng lúc đó tại Florida, Hallorann cảm thấy không ổn về những gì diễn ra ở khách sạn, ông gọi cho đường dây hỗ trợ nhờ kết nối đến bộ đàm tại khách sạn nhưng Jack đã ngắt kết nối. Hallorann bay về Colorado và tự đi xe trượt tuyết đến khách sạn.
Trong khi tìm Jack, Wendy phát hiện trên những bản thảo Jack đang đánh lập lại câu chữ: “all work and no play makes Jack a dull boy” (tất cả những việc làm không đi đến đâu chỉ biến Jack thành một kẻ đần độn).
Lật các trang viết mà Jack đã in ra trước đó, cô hoảng loạn vì tất cả đều lặp lại những câu như vậy. Jack đến từ phía sau làm Wendy giật mình, cô vừa cầm cây gậy bóng chày tự vệ vừa van xin Jack đưa Danny đến bệnh viện nhưng Jack lại đe dọa Wendy trước khi bị Wendy đánh bất tỉnh bằng gậy bóng chày.
Wendy kéo Jack vào nhà kho trong bếp và khóa lại, nhưng cô ấy và Danny cũng bị kẹt lại trong khách sạn do Jack đã cắt radio và khóa xe đi trên tuyết. Lát sau, Jack nói chuyện qua cửa phòng bếp với hồn ma của Grady và được ông mở cửa cho.
Đêm đó, trong lúc Wendy ngủ thì Danny được Tony cảnh báo bằng việc liên tục phát ra từ miệng tiếng “Redrum”, Danny lấy cây son viết dòng chữ “Redrum” lên cửa phòng tắm.
Khi Wendy giật mình tỉnh dậy, nhìn dòng chữ mà Danny vừa viết qua gương, cô phát hiện dòng chữ “Murder” (giết người). Cùng lúc đó. Jack đã thoát ra ngoài và tìm về phòng, trở nên điên dại và đập cửa bằng rìu.
Wendy bế Danny vào phòng tắm, chốt cửa và đẩy Danny qua cửa sổ phòng tắm, Danny chui được ra ngoài nhưng nó lại quá nhỏ không đủ cho Wendy chui vừa. Wendy bảo Danny trốn đi còn cô cầm dao núp sau tường.
Jack phá được một phần cửa phòng tắm và thò mặt vào , hét “Johnny tới đây!!!”. Wendy dùng dao chém vào tay Jack khiến hắn phải lùi lại.
Đúng lúc đó cả hai nghe thấy tiếng xe chạy trên tuyết của Hallorann đến, Jack rời khỏi phòng và dùng rìu giết Hallorann trong lúc ông ta vừa đi vào và liên tục hỏi “Có ai ở đây không?”.
Jack tiếp tục rượt Danny vào mê cung tuyết phía ngoài khách sạn. Wendy chạy khắp khách sạn tìm Danny, bắt gặp những hồn ma và cầu thang đẫm máu mà Danny đã từng thấy trong linh cảm lúc ở Boulder.
Cô cũng tìm thấy xác của Hallorann ở sảnh. Danny để lại dấu chân giả và trốn khỏi mê cung, đoàn tụ cùng với Wendy. Cả hau bỏ trốn lên xe của Hallorann.
Jack bị lạc trong mê cung, chết vì lạnh và kiệt sức. Cảnh cuối cùng là phóng to dần bức ảnh đặt ở hành lang khách san, Jack Torrance cười giữa đám đông khách dự tiệc, bên dưới ghi ngày “4/7/1921”