Ngày 10/4, Prada công bố thỏa thuận mua lại thương hiệu thời trang danh tiếng Versace từ tập đoàn Capri Holdings với giá 1,25 tỷ EUR (khoảng 1,38 tỷ USD). Đây được xem là thương vụ lớn nhất trong ngành thời trang cao cấp năm nay, thu hút sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn và người hâm mộ.
Theo các chuyên gia, việc Prada quyết định thâu tóm Versace không chỉ đơn thuần là một thương vụ tài chính mà còn thể hiện cam kết của tập đoàn này trong việc duy trì và phát triển di sản thời trang mang nhãn “Made in Italy”. Thương hiệu Versace sẽ gia nhập hệ sinh thái của Prada Group, bên cạnh những cái tên danh tiếng như Prada, Miu Miu, Marchesi, Car Shoe và Church’s.
Andrea Guerra, CEO của Prada Group, nhấn mạnh:
"Versace là một thương hiệu độc đáo và mạnh mẽ, bổ sung hoàn hảo cho tập đoàn chúng tôi. Tuy nhiên, hành trình phía trước chắc chắn sẽ không dễ dàng."
Dù vậy, Prada đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi dùng hơn 1 tỷ EUR vốn vay để tài trợ cho thương vụ này. Sau khi được các cơ quan quản lý phê duyệt, thương vụ dự kiến sẽ hoàn tất vào nửa cuối năm nay.
Thời điểm Prada quyết định mua lại Versace không hề ngẫu nhiên. Capri Holdings – công ty mẹ của Versace, Michael Kors và Jimmy Choo – đang đối mặt với những khó khăn về tài chính. Dự báo doanh thu của Versace trong năm 2025 chỉ còn 810 triệu USD, giảm đáng kể so với mức 1 tỷ USD của năm ngoái.
Capri Holdings từng kỳ vọng xây dựng một đế chế thời trang xa xỉ kiểu Mỹ để cạnh tranh với những tập đoàn châu Âu như LVMH hay Kering, nhưng chiến lược này đã không mang lại kết quả như mong đợi. Việc bán lại Versace cho Prada gần như đánh dấu sự kết thúc của tham vọng này.
Về phần Prada, đây là cơ hội để họ chứng minh khả năng mở rộng quy mô một cách thành công. Trong quá khứ, Prada từng thất bại khi mua lại Jil Sander và Helmut Lang, nhưng giờ đây, với đà tăng trưởng mạnh mẽ – đặc biệt là sự bùng nổ của Miu Miu với doanh thu năm 2024 đạt 5,4 tỷ EUR (tăng 17%) – Prada đang có một nền tảng vững chắc để tái định hình Versace.
Dù cùng đến từ Italy, Versace và Prada lại đại diện cho hai triết lý thời trang đối lập. Nếu Versace nổi bật với sự gợi cảm, táo bạo và hào nhoáng, thì Prada lại thiên về phong cách tối giản, trí tuệ và phá cách. Tuy nhiên, cả hai thương hiệu đều có điểm chung: sự tôn vinh thủ công truyền thống, giá trị gia đình và sức mạnh biểu tượng thương hiệu.
Donatella Versace – người tiếp quản thương hiệu sau khi nhà sáng lập Gianni Versace qua đời vào năm 1997 – đã rút khỏi vai trò Giám đốc Sáng tạo vào tháng trước. Tuy nhiên, bà vẫn giữ vai trò đại sứ thương hiệu và bày tỏ sự hài lòng khi Versace trở thành một phần của tập đoàn Prada.
Một điểm đáng chú ý khác là Dario Vitale – tân Giám đốc Sáng tạo của Versace – từng có 14 năm làm việc tại Miu Miu dưới trướng Miuccia Prada. Điều này có thể giúp hai thương hiệu có sự kết nối tốt hơn trong tương lai.
Hiện tại, Prada Group đang được dẫn dắt bởi Patrizio Bertelli – Chủ tịch tập đoàn – và vợ ông, Miuccia Prada. Con trai họ, Lorenzo Bertelli, hiện giữ vai trò Giám đốc Marketing và được xem là người kế nhiệm tương lai. Việc thâu tóm Versace có thể là nước cờ quan trọng để thế hệ kế tiếp của gia tộc Prada tạo dấu ấn trong ngành công nghiệp xa xỉ.
Dù còn nhiều thách thức phía trước, thương vụ Prada – Versace chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện ngành thời trang, tạo ra một thế lực mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn như LVMH và Kering.