Trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học ACS Nano, nhóm nghiên cứu tại Đại học Brown đã phát triển thành công một kỹ thuật sử dụng các hạt vàng plasmonic nanorods (AuNRs) siêu nhỏ để phục hồi thị lực. Các hạt này có kích thước nhỏ đến mức mỏng hơn hàng ngàn lần so với sợi tóc người.
Hai căn bệnh mà phương pháp này hướng tới là thoái hóa điểm vàng (xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi, làm hỏng vùng trung tâm võng mạc) và viêm võng mạc sắc tố (bệnh di truyền hiếm gặp gây mất dần tế bào cảm nhận ánh sáng).
Khác với các phương pháp điều trị hiện tại như cấy ghép điện cực vào mắt, kỹ thuật mới chỉ cần tiêm các hạt nano vàng vào mắt, sau đó kích hoạt chúng bằng tia laser hồng ngoại. Khi đó, các tế bào võng mạc như tế bào lưỡng cực và tế bào hạch – vốn không bị tổn thương – sẽ thay thế chức năng của các tế bào cảm quang đã chết, từ đó khôi phục đường truyền tín hiệu hình ảnh đến não.
Theo trưởng nhóm nghiên cứu – Tiến sĩ Jiarui Nie, tiêm nội nhãn là một thủ thuật đơn giản, quen thuộc trong nhãn khoa, giúp kỹ thuật này dễ áp dụng mà không cần phẫu thuật hay thay đổi gene.
Một ưu điểm lớn khác của phương pháp dùng hạt vàng nano là độ phân giải có thể cao hơn so với các thiết bị cấy ghép. Hạt nano phân bố đều trên toàn bộ võng mạc, mở ra khả năng phục hồi toàn bộ trường nhìn. Hơn nữa, vì chúng phản ứng với ánh sáng hồng ngoại (khác với ánh sáng nhìn thấy), nên phần thị lực tự nhiên còn lại của bệnh nhân vẫn được bảo toàn.
Trong thử nghiệm trên chuột, các nhà khoa học ghi nhận sự hoạt động tích cực trong vùng não xử lý hình ảnh, chứng tỏ chuột đã hồi phục được một phần thị lực. Quan trọng hơn, không phát hiện độc tính hay tác dụng phụ nào sau nhiều tháng theo dõi.
Nhóm nghiên cứu đang hướng tới việc kết hợp kỹ thuật này với kính hoặc thiết bị đeo tích hợp camera và tia laser. Dù còn cần thêm nhiều thử nghiệm trước khi áp dụng lên người, phương pháp này được kỳ vọng sẽ trở thành một giải pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho các bệnh lý võng mạc.