Hãy tưởng tượng bạn lái xe trên xa lộ, giữa vùng hư không mênh mông, và đột nhiên kim xăng chạm đáy. Không có trạm dừng, không ai giúp, bạn chỉ có thể trôi dạt. Đó cũng là thực tế khắc nghiệt mà các vệ tinh hay tàu vũ trụ hiện nay phải đối mặt – khi nhiên liệu cạn kiệt, chúng đơn giản là “chết”, nằm lại giữa không gian như những tàn tích lặng câm.
Nhưng điều đó có thể thay đổi – và sớm thôi. Mỹ đang chuẩn bị cho một bước ngoặt lớn: đưa một trạm tiếp nhiên liệu vũ trụ vào hoạt động trong mùa hè năm 2026.
Dẫn đầu dự án này là Astroscale US, công ty chuyên về dịch vụ hậu cần không gian. Họ không xây một trạm xăng khổng lồ kiểu Star Wars, mà chọn cách bắt đầu từ một tàu con thoi nhỏ gọn – chỉ khoảng 300 kg – có khả năng mang theo nhiên liệu hydrazine và tiếp nhiên liệu cho vệ tinh khi cần. Nó là "cây xăng di động" đúng nghĩa, rong ruổi ở quỹ đạo cách mặt đất gần 36.000 km.
Trong hành trình đầu tiên, con tàu này sẽ phục vụ vệ tinh Tetra-5 thuộc Lực lượng Không gian Mỹ (Space Force). Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhiên liệu, nó sẽ tự bay đến kho chứa gần đó để nạp nhiên liệu mới – rồi lại tiếp tục hành trình, một cách âm thầm nhưng bền bỉ.
Nếu thử nghiệm thành công, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, một tàu vũ trụ được “đổ xăng” ngoài không gian. Và quan trọng hơn, nó có thể thay đổi cách con người vận hành vũ trụ trong nhiều thập kỷ tới.