Khi ánh sáng Mặt trời vẫn rực rỡ trên bầu trời, ít ai nghĩ rằng chính ngôi sao trung tâm của hệ Mặt trời lại là nguồn gốc của một hiểm họa tiềm tàng: bão từ quy mô hành tinh. Trong tuần này, NASA cảnh báo một cơn bão Mặt trời mạnh – hệ quả của vụ bùng phát tia X-class – đang di chuyển về phía Trái Đất. Các mô phỏng mới nhất cho thấy nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, chúng ta có thể chứng kiến sự đổ vỡ hàng loạt của các nền tảng sống còn như điện, viễn thông, GPS, và thậm chí cả hệ thống tài chính.
Vào tháng 5 năm ngoái, một nhóm chuyên trách bao gồm NOAA và Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã thực hiện một cuộc diễn tập mô phỏng thảm họa vũ trụ. Trong đó, họ thử hình dung một kịch bản xảy ra vào tháng 1/2028, khi một loạt vụ phun trào từ Mặt trời hướng thẳng vào Trái Đất. Kết quả mô phỏng cho thấy điều đáng lo: hệ thống điện lưới sụp đổ trên diện rộng, tín hiệu vệ tinh gián đoạn, phi hành gia gặp nguy hiểm, và toàn bộ mạng lưới liên lạc toàn cầu có thể bị “câm lặng”.
Một trong các kịch bản mô phỏng đã tính đến “siêu bão Mặt trời” – sự kiện có khả năng gây nên một “tận thế Internet”, khi cơ sở hạ tầng điện và truyền thông ở Mỹ, đặc biệt khu vực bờ Đông, tê liệt trong nhiều tuần.
Bão từ là hậu quả của hiện tượng phun trào vành nhật hoa (CME) – các đợt bùng phát plasma và từ trường từ Mặt trời. Khi các đợt CME tiếp xúc với từ quyển Trái Đất, chúng có thể gây ra rối loạn nghiêm trọng: từ mất điện, gián đoạn thông tin vô tuyến cho đến làm hỏng các thiết bị vệ tinh đắt đỏ.
Điều đáng lo ngại là công nghệ hiện tại chỉ cho phép phát hiện CME khoảng 30 phút trước khi chúng “đổ bộ”. Khoảng thời gian ngắn ngủi này gần như không đủ để triển khai bất kỳ phương án ứng phó thực sự nào.
NASA hiện đang theo dõi chặt chẽ vùng hoạt động mạnh trên bề mặt Mặt trời – nơi đã phát ra một loạt tia X-class trong những ngày gần đây, bao gồm vụ nổ cấp X2.7 vào ngày 14/5 vừa qua. Vụ việc đã gây mất liên lạc vô tuyến tại châu Âu, châu Á và Trung Đông, đồng thời làm suy giảm hệ thống điện tại miền Đông nước Mỹ.
Cuộc diễn tập năm 2024 – trùng thời điểm với cơn bão từ Gannon mạnh nhất trong 20 năm – là lời cảnh tỉnh đầu tiên. Tuy nhiên, một năm sau, hệ thống cảnh báo và chuẩn bị vẫn không có nhiều chuyển biến đáng kể.
NASA và các nhà nghiên cứu hàng đầu hiện đang kêu gọi một chiến lược ứng phó toàn diện từ chính phủ các quốc gia: từ việc phóng thêm vệ tinh giám sát thời tiết không gian, xây dựng mô hình dự báo chính xác hơn, đến hợp tác quốc tế để chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, còn có kiến nghị tăng cường năng lực bảo vệ cho các hệ thống cơ sở hạ tầng trọng yếu như lưới điện, hệ thống tài chính – những trụ cột không thể thay thế trong thế giới hiện đại.
Dù mang theo những nguy cơ lớn, bão Mặt trời cũng tạo ra một hiện tượng kỳ thú: cực quang. NASA cho biết người dân tại các bang như Alaska, Washington, Montana, North Dakota, Michigan... có thể chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng huyền ảo này trong những ngày tới.
Tuy nhiên, vẻ đẹp đó không thể che giấu sự thật rằng xã hội hiện đại đang trở nên dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Với 5 vùng vết đen đang hướng về Trái Đất và Mặt trời bước vào chu kỳ hoạt động mạnh, nhiều chuyên gia lo ngại rằng những gì sắp tới có thể vượt xa tưởng tượng.