Thật khó tin nhưng có thật: một người dùng từng là “nữ hoàng BDSM” chuyên về fetishes bàn chân, sau gần 20 năm không đăng nhập tài khoản YouTube của mình, bỗng quay lại và tạo hơn 900 playlist. Trong đó, có cả album đầu tay của ban nhạc math-rock 90 Day Men, album hyperpop của Saoirse Dream, đến cả nhạc phim anime Chobits đầu những năm 2000.
Không phải câu chuyện gây cười – đây là thực trạng kỳ quái đang diễn ra trên YouTube. Dù đã có nền tảng riêng là YouTube Music, YouTube phiên bản “truyền thống” vẫn là mỏ vàng đối với người yêu nhạc hiếm, khó tìm trên nền tảng hợp pháp. Nhờ đó, nhiều kênh chia sẻ screamo, doom metal hay acid jazz vẫn hoạt động mạnh, thu hút người nghe tìm kiếm “full album”.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, hiện tượng playlist stuffing (nhồi nhét playlist) bỗng lan tràn khắp YouTube. Engadget thống kê 100 kênh có dấu hiệu bất thường, với tổng cộng hơn 58.000 playlist, phần lớn đều chứa video dài gần một tiếng mang tên "More".
Video “More” mở đầu bằng giọng máy móc đọc bài về đầu tư tiền mã hóa. Nhưng thay vì dẫn đến link lừa đảo, nội dung kéo dài gần 58 phút loanh quanh các chủ đề như tiếp thị liên kết, làm website, SEO… mà không có đích đến rõ ràng. Mô tả video chỉ ghi: “Những nội dung chưa từng công bố, đặc biệt dành cho fan ruột!” Thế nhưng, “More” đã đạt tới 7,5 triệu lượt xem và được bật kiếm tiền.
Chiêu trò này khai thác sơ hở trong giao diện người dùng của YouTube. Trang kết quả tìm kiếm chỉ hiển thị hai bài đầu tiên trong mỗi playlist, còn “More” thường nằm ở vị trí thứ ba. Người dùng click vào để nghe album, rồi chuyển sang tab khác, không biết rằng họ đang bị dẫn tới đoạn video quảng cáo vô nghĩa.
Một số kênh còn dùng chiêu tinh vi hơn: nhét bài hát của mình vào các playlist nổi tiếng để “ké fame”. Ví dụ, Ultra Sounds đưa bài "The Pause" vào playlist album Add Violence của Nine Inch Nails và thu về 4,1 triệu lượt xem. Các nhóm nhạc nhỏ khác cũng lén chèn nhạc mình vào playlist của Viagra Boys hay Drop Nineteens để tăng view bất chính.
Engadget phát hiện các kênh đăng tải playlist nhồi nhét này có điểm chung kỳ lạ: phần lớn được tạo từ năm 2005–2009, nhiều kênh đã từng tải những video cá nhân như hát karaoke, trượt tuyết, chơi go-kart từ gần 20 năm trước. Có kênh từng đăng video nhạc truyền thống Campuchia, giờ lại bị dùng làm công cụ “spam” playlist nhạc lừa đảo.
Không có bằng chứng về cách những tài khoản xưa cũ này bị chiếm quyền, nhưng nhiều khả năng chúng bị hack hoặc bán lại. Các dấu tích xưa như ảnh đại diện Myspace hay video gia đình vẫn còn nguyên – một nỗi buồn kỹ thuật số khi ký ức cá nhân bị biến thành công cụ trục lợi.
Trong khi đó, YouTube vẫn chưa có phản hồi chính thức về hiện tượng này. Điều đó khiến nhiều người lo ngại: nếu những playlist rác này vẫn tồn tại và tiếp tục kiếm tiền đều đặn, YouTube có còn là nơi đáng tin cậy để tìm và chia sẻ âm nhạc như trước?