Ngày 27/5, tại bãi phóng Starbase ở Texas, SpaceX đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm thứ 9 của tên lửa Starship – hệ thống phóng được kỳ vọng sẽ mở đường cho các sứ mệnh liên hành tinh. Dù khởi đầu thuận lợi và vượt qua nhiều mốc kỹ thuật từng khiến các lần thử trước đây thất bại, Starship vẫn không thể hoàn thành sứ mệnh khi tầng trên mất kiểm soát ngoài quỹ đạo.
Với chiều cao 122 mét, Starship là cỗ máy bay lớn nhất từng được chế tạo trong lịch sử hàng không vũ trụ. Trong lần phóng này, SpaceX còn táo bạo tái sử dụng tầng đẩy Super Heavy – một bước đi nhằm giảm chi phí vận hành lâu dài. Tuy nhiên, hệ thống tiếp đất của tầng đẩy lại mất liên lạc và rơi xuống biển thay vì hạ cánh chính xác như mong đợi.
Tầng trên tiếp tục bay trong khoảng 30 phút trước khi bắt đầu quay lộn không kiểm soát – một sự cố nghiêm trọng khiến kế hoạch thả mô hình vệ tinh Starlink kiểu “kẹo Pez” phải hủy bỏ giữa chừng. Dan Huot – phát ngôn viên của SpaceX – thừa nhận trong buổi phát sóng trực tiếp rằng “nhiều mục tiêu kỹ thuật đã không đạt được như kỳ vọng”.
Ban đầu, Elon Musk dự kiến sẽ phát biểu về sứ mệnh “biến con người thành loài đa hành tinh” ngay sau chuyến bay. Nhưng hàng giờ trôi qua, nhà sáng lập SpaceX vẫn không xuất hiện trước công chúng, làm dấy lên đồn đoán về tương lai ngắn hạn của chương trình Starship.
Trên mạng xã hội X, Musk xác nhận hệ thống động cơ của Starship đã tắt thành công trong không gian – một chi tiết tích cực. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận một vết rò tại bình nhiên liệu là nguyên nhân khiến con tàu mất cân bằng và dẫn đến chuỗi sự cố.
“Chúng tôi thu thập được lượng dữ liệu khổng lồ. Các đợt phóng sẽ được đẩy nhanh với chu kỳ khoảng 3–4 tuần/lần”, Musk viết, thể hiện rõ chiến lược thử – sai quen thuộc của SpaceX.
Tuy vậy, việc Starship tiếp tục thất bại trong giai đoạn vốn được xem là đã ổn định lại gợi lên lo ngại về độ tin cậy kỹ thuật. Các phiên bản Starship trong năm 2025 đều đã được cải tiến so với mẫu ban đầu, nhưng chuỗi thất bại kéo dài lại đang bào mòn niềm tin của công chúng vào chương trình hàng tỷ USD này.
Chuyến bay ngày 27/5 vốn được kỳ vọng sẽ cho Starship hoàn thành gần một vòng quanh Trái Đất trước khi tái nhập khí quyển và rơi có kiểm soát xuống Ấn Độ Dương. Mục tiêu là kiểm tra các lớp gạch chịu nhiệt và hệ thống cánh lái mới. Nhưng thay vào đó, nhiều người chỉ thấy hình ảnh một quả cầu lửa lao qua bầu trời đêm Nam Phi – biểu tượng cho một thất bại khó nuốt.
Với NASA, vốn đặt cược Starship sẽ là phương tiện đưa người trở lại Mặt trăng vào năm 2027, sự thiếu ổn định hiện tại đang khiến lịch trình thêm phần mong manh. Đặc biệt, khi tầm nhìn “ưu tiên sao Hỏa” của Elon Musk có xu hướng đẩy các sứ mệnh khác xuống thứ yếu, thì mỗi thất bại của Starship đều kéo theo hệ lụy dây chuyền.
Chuyến bay vừa qua chỉ được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép sát giờ, sau hai tháng điều tra các vụ nổ khiến mảnh vỡ rơi xuống vùng biển Caribbean và làm gián đoạn hàng không thương mại. Một lần nữa, FAA phải mở rộng vùng nguy hiểm cho lần phóng này – dấu hiệu cho thấy mức độ rủi ro ngày càng khó dự đoán.
Nếu Elon Musk vẫn muốn Starship trở thành phương tiện chinh phục vũ trụ của nhân loại, thì trước tiên, ông cần chứng minh nó có thể… trở về một cách an toàn.