Semyon Kuprianov – một người Nga sống ở TP.HCM – từng ngỡ mình mơ khi nghe tiếng rao lanh lảnh của người bán hàng rong vang lên lúc mới 4h sáng. “Tôi còn ngạc nhiên hơn khi nghe thấy tiếng gà gáy ở giữa thành phố. Tôi tự hỏi: Họ ngủ lúc nào?”, anh nhớ lại những ngày đầu đến Việt Nam.
Sự bất ngờ ấy không chỉ đến từ âm thanh, mà từ nhịp sống sôi động của người Việt vào những giờ mà ở quê hương anh – nước Nga – người ta còn say giấc. “Ở Nga, cuộc sống thường bắt đầu từ 8 hoặc 9h sáng,” Semyon nói.
Sau ba năm sống tại Việt Nam, Semyon đã dần quen với thói quen này. Dù chưa thể hòa nhập hoàn toàn, anh cảm thấy những âm thanh buổi sáng giờ đây mang đến cảm giác thân thuộc, giúp anh bớt cô đơn khi biết ngoài kia, mọi người đang tất bật khởi đầu một ngày mới.
Không riêng gì TP.HCM, khi đến Hà Nội, Semyon thêm một lần “sốc nhẹ” khi thấy hàng trăm người tập thể dục quanh bờ hồ Hoàn Kiếm từ lúc 4-5h sáng. “Tôi cứ tưởng có giải chạy marathon, nhưng hỏi ra mới biết... ngày nào cũng như thế!”, anh bật cười.
Từ biển Đà Nẵng, Josef Andrew Miklavc – một người Australia 30 tuổi – cũng từng kinh ngạc không kém. Sáng sớm, anh thấy bãi biển đông nghịt người, từ chơi bóng chuyền, yoga, cho đến khiêu vũ, múa kiếm. “Tôi đã đi hơn 40 quốc gia nhưng chưa từng thấy người ở độ tuổi 40–50 lại năng động như thế vào buổi sáng,” Josef nói.
Anh cũng ngạc nhiên khi thấy các cô lớn tuổi mặc áo dài đẹp, trang điểm nhẹ nhàng, đứng xếp hàng ngắm bình minh rồi chụp ảnh. Ở Australia, Josef bảo ngắm bình minh là điều “chỉ dành cho những dịp thật đặc biệt, như lễ cưới hay cầu hôn”. Còn ở Việt Nam? “Mỗi sáng đều như một buổi lễ nhỏ.”
Tương tự, Godspromise Iveoghene Egbeji (tên thân mật là Geepee) đến từ Nigeria, đang sống ở Hà Nội, cũng từng sốc vì lịch sinh hoạt sáng sớm của người Việt. Nhưng rồi anh học cách thích nghi: dậy từ 4h30, chạy bộ, chuẩn bị bữa sáng và đến trường đúng 7h. “Tôi từng nghĩ người Việt hy sinh giấc ngủ để làm việc năng suất hơn. Nhưng sau đó tôi phát hiện họ có văn hóa ngủ trưa – một thứ tôi thấy thực sự hiệu quả.”
Từ thói quen đi chợ đầu mối khi trời chưa sáng hẳn để mua đồ tươi rẻ, đến cảm giác được hòa mình vào nhịp sống sáng sớm của người dân – tất cả khiến Geepee thấy yêu đất nước này hơn. “Tôi cảm nhận được sự ấm áp và bình an ở Việt Nam. Ở đây, con người thân thiện và luôn sẵn sàng chia sẻ.”
Trên mạng xã hội, ngày càng có nhiều video của người nước ngoài quay lại hoạt động buổi sáng ở Việt Nam, thu hút hàng triệu lượt xem. Hashtag #morningvietnam hay #vietnamstyle tràn ngập hình ảnh người dân dậy sớm đi thể dục, buôn bán hay đơn giản là… uống cà phê.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung – chuyên gia văn hóa – thói quen dậy sớm của người Việt có phần bắt nguồn từ điều kiện tự nhiên. Việt Nam là xứ nóng, nên người dân tranh thủ làm việc sớm để tránh nắng. Ngoài ra, tâm lý “làm sớm để tích lũy” cũng ăn sâu trong nếp nghĩ nhiều người Việt.
Ông cho rằng việc người cao tuổi tập thể dục, khiêu vũ hay chạy bộ mỗi sáng không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe, mà còn mang lại cảm giác kết nối, niềm vui trong cuộc sống. “Đó là một cách để họ sống vui, sống khỏe khi về già,” ông Trung nói.
Còn với những người nước ngoài, ban đầu có thể là sự ngỡ ngàng, nhưng dần dà, chính những thói quen rất đỗi Việt Nam ấy lại trở thành lý do khiến họ yêu mến mảnh đất này hơn. Semyon đã thử dậy sớm để ăn bánh cuốn, Josef “nghiện” ngắm bình minh, còn Geepee không thể bỏ thói quen ngủ trưa ngắn để lấy lại năng lượng cho buổi chiều.
“Việt Nam cho tôi cảm giác thật sự được sống, chứ không chỉ tồn tại,” Josef chia sẻ.