Từng được ca ngợi là “ánh sáng dẫn đường” trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, OpenAI đang trải qua những tháng ngày đầy sóng gió. Chỉ vài tháng sau cú gọi vốn lịch sử 40 tỷ USD, công ty do Sam Altman dẫn dắt bất ngờ đối diện hàng loạt vấn đề có thể làm lung lay vị thế của họ trên đỉnh cao công nghệ AI.
Một trong những rắc rối lớn nhất của OpenAI chính là làn sóng “săn đầu người” đến từ các ông lớn công nghệ, đặc biệt là Meta. Từ giữa tháng 6, Sam Altman lên tiếng tố Meta ra sức chiêu mộ kỹ sư của mình với khoản thưởng ký hợp đồng lên đến 100 triệu USD. Andrew Bosworth, Giám đốc Công nghệ của Meta, phủ nhận mức tiền khủng này dành cho nhân viên phổ thông, nhưng không loại trừ với những lãnh đạo cấp cao.
Mark Chen, Giám đốc nghiên cứu OpenAI, thừa nhận nội bộ đang trải qua giai đoạn khó khăn. Ông ví tình trạng này giống như “có kẻ đột nhập vào nhà để lấy đi những thứ quý giá.” Để giữ chân nhân tài, OpenAI buộc phải tăng lương thưởng và tạo ra các chế độ đãi ngộ mới.
Áp lực công việc cũng là vấn đề đáng lo. Theo Business Insider, nhiều kỹ sư tại OpenAI đang làm việc đến 80 giờ mỗi tuần. Đầu tháng 7, công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ một tuần để tránh kiệt sức.
Không chỉ gặp khó về nhân sự, OpenAI còn vướng rắc rối trong kế hoạch thâu tóm Windsurf, startup chuyên phát triển công cụ lập trình AI. Mục tiêu mua lại Windsurf trị giá 3 tỷ USD rốt cuộc thất bại hôm 11/7. Một phần nguyên nhân là Microsoft – cổ đông lớn nhất của OpenAI – không muốn thương vụ này vì Windsurf cạnh tranh trực tiếp với trợ lý lập trình Copilot của chính họ.
Thất bại này càng khoét sâu mâu thuẫn âm ỉ giữa OpenAI và Microsoft. Hai bên khác biệt quan điểm về cách chia doanh thu cũng như định nghĩa thế nào là trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).
OpenAI cho rằng AGI sẽ sớm thành hiện thực, với khả năng tạo ra doanh thu 100 tỷ USD, khi đó Microsoft sẽ không còn được chia lợi nhuận từ các sản phẩm AI. Ngược lại, Satya Nadella, CEO Microsoft, tỏ ra thận trọng, thậm chí gọi ý tưởng này chỉ là “một trò hack điểm chuẩn vô nghĩa.”
Áp lực lên OpenAI càng lớn khi lịch ra mắt mô hình ngôn ngữ mới liên tục bị trì hoãn. Hồi tháng 3, Altman tuyên bố chuẩn bị ra mắt mô hình trọng số mở có khả năng suy luận vượt trội, nhưng đến tháng 6 rồi tháng 7, ông vẫn xin lỗi và tiếp tục hoãn vì “cần thêm thời gian thử nghiệm an toàn.”
Trong khi đó, đối thủ xAI của Elon Musk không ngừng tạo sức ép khi tung ra bản cập nhật mới cho chatbot Grok vào đầu tháng 7, khiến khoảng cách giữa các công ty AI đang dần thu hẹp.
Bên cạnh các vấn đề kỹ thuật và nhân sự, OpenAI cũng dính kiện tụng. Tháng 5, công ty chi 6,5 tỷ USD mua lại io – startup do Jony Ive, cựu giám đốc thiết kế của Apple, đồng sáng lập. Mục tiêu là tạo ra một thiết bị AI có thể đồng hành cùng con người vượt ngoài phạm vi màn hình.
Tuy nhiên, startup iyO, tách ra từ Google, đệ đơn kiện vì cho rằng tên “io” quá giống với thương hiệu của họ và cả hai dự kiến phát triển những sản phẩm tương tự nhau. Tòa án đã tạm thời yêu cầu OpenAI ngừng sử dụng tên io và gỡ bỏ mọi tài liệu liên quan. OpenAI phủ nhận cáo buộc và đang tìm phương án phản hồi pháp lý.
Dù đứng trước nhiều biến động, OpenAI vẫn tiếp tục đẩy mạnh các dự án lớn. Tháng 6, công ty ký hợp đồng 200 triệu USD với Bộ Quốc phòng Mỹ để tích hợp AI vào lĩnh vực quân sự. Đồng thời, họ hợp tác với Mattel để đưa trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm đồ chơi như búp bê Barbie.
Theo Reuters, OpenAI dự định sớm ra mắt một trình duyệt web tích hợp ChatGPT và các tác nhân AI thông minh. Trình duyệt này hứa hẹn giúp người dùng thực hiện các tác vụ phức tạp như đặt chỗ, điền biểu mẫu, và nếu thành công, sẽ đặt OpenAI vào thế cạnh tranh trực tiếp với Google Chrome – trình duyệt đang chiếm tới 70% thị phần toàn cầu.
Với khoảng 500 triệu người dùng mỗi tuần, OpenAI vẫn nắm trong tay một đòn bẩy mạnh mẽ. Nhưng để giữ vững ngôi vương, công ty cần vượt qua nhiều cơn sóng ngầm nội bộ và cuộc đua khốc liệt của thế giới AI.