Thế giới công nhận, nhưng chính phủ Trung Quốc và nhiều nghệ sĩ thì không, cố tình “mặc kệ” các nghiên cứu, tài liệu có giá trị pháp lý cao nhất của Tòa Trọng tài quốc tế.
Các sao là diễn viên, ca sĩ phần đông bị xem là không có nhiều kiến thức về lịch sử, luật pháp quốc tế, có lẽ cũng chưa hoặc bỏ qua các tài liệu, bằng chứng lịch sử, bằng chứng từ hình ảnh vệ tinh, các khảo sát hàng hải, bản đồ địa lý… để hiểu rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở để khẳng định chủ quyền đối với 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế ở một số khu vực trên biển Đông giáp Philipine…
Lại nói về TFBoys, những chàng trai ấy còn nhỏ tuổi, trẻ dại hơn những Huỳnh Hiểu Minh, Vương Tổ Lam, Mã Thiên Vũ, Phạm Băng Băng… rất nhiều. Trình độ, kiến thức và hiểu biết của các em về Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông là vô cùng hạn hữu (có thể không ít bạn trẻ chúng ta cũng vậy), nên có lẽ, một phụ huynh như tôi dễ dàng đồng cảm với nhiều fan TFBoys nói riêng, CPOP hay fan điện ảnh Trung Hoa nói chung.
Tôi không trách TFBoys như một số member trên page Dịch Dương Thiên Tỉ TFBOYS, tôi chỉ nói rằng các em Thiếu hiểu biết, Thiếu kiến thức. Vậy thôi.
Đầu tiên, hãy thử lướt qua các trang thông tấn quốc tế:
- Kênh CNN của Mỹ ngoài điểm những ý chính của phán quyết còn dẫn lại phản ứng từ chính quyền Philippines, khẳng định Manila “sẽ tôn trọng phán quyết mang tính cột mốc này của tòa”.
- Trong bài viết với tiêu đề “Philippines chiến thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông”, Guardian nhấn mạnh “Bắc Kinh đã thua trong một vụ kiện quốc tế quan trọng đối với các rạn san hô và bãi cạn chiến lược có khả năng mang đến cho họ quyền kiểm soát những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông”. Theo tờ báo này, phán quyết của tòa hoàn toàn có lợi cho Philippines và sẽ gia tăng các áp lực ngoại giao toàn cầu lên Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải thu hẹp quy mô hoạt động quân sự ở Biển Đông. Phán quyết đồng thời vô hiệu hóa “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra.
- Reuters khẳng định phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về các quyền kinh tế trên một khu vực rộng lớn của Biển Đông. “Phán quyết này là một đòn giáng về pháp lý vào tuyên bố quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Đông“, Reuters dẫn lời ông Ian Storey, chuyên gia tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, Singapore, bình luận.
- Hãng thông tấn Trung Quốc Xinhua cho biết Trung Quốc “không chấp nhận và không công nhận phán quyết yếu kém” từ Tòa Trọng tài về “đường lưỡi bò”.
- Tờ Strait Times của Singapore dẫn phân tích của Li Mingjiang, chuyên gia về châu Á – Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, dự đoán hành động của Bắc Kinh sau phán quyết. Theo ông Li, dù phán quyết của Tòa Trọng tài bất lợi cho Trung Quốc, nước này cũng sẽ không rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) bởi Bắc Kinh vẫn còn nhiều lợi ích tại các vùng biển khác cần được công ước bảo vệ, ví dụ như ở Ấn Độ Dương.
- Báo South China Morning Post, Hong Kong, đăng trên trang nhất bài viết với tựa đề “Phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc vi phạm chủ quyền Philippines ở Biển Đông”, đồng thời đưa tin đậm nét về vụ việc với nhiều ý kiến đánh giá từ chuyên gia.
- Hãng tin AP dẫn lời một giáo sư về kinh tế chính trị châu Á miêu tả phán quyết của tòa đã tạo ra một “thời khắc chuyển mình” của khu vực.
- Đài Tiếng nói Pháp dẫn lời giáo sư Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia dự đoán Trung Quốc có thể sẽ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền “gây sốc và gieo hoang mang” sau phán quyết.
(Xem thêm tại đây: http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/truyen-thong-quoc-te-viet-gi-ve-phan-quyet-duong-luoi-bo-3435173.html)
Để chia sẻ này đầy đủ hơn tính khoa học, chặt chẽ về pháp lý, xin được tóm lược phân tích của chị Nguyễn Ngọc Lan, Nghiên cứu sinh Tiến sỹ, Khoa Luật, Đại học Cambridge về phán quyết của PCA .
Về ý nghĩa của phán quyết này?
Phán quyết này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối hai bên tranh chấp mà còn đối với toàn bộ các quốc gia liên quan trên Biển Đông.
Phán quyết khẳng định việc sử dụng biện pháp tài phán trong việc giải quyết tranh chấp một cách hoà bình là một lựa chọn hoàn toàn khả thi và đem lại kết quả tích cực.
Phán quyết này, cùng với Phán quyết về thẩm quyền tháng 10/2015, bác bỏ rất nhiều luận điểm thường được Trung Quốc sử dụng nhằm chối bỏ khả năng áp dụng các biện pháp tài phán để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Phán quyết cho thấy Toà Trọng tài mặc dù phải đối mặt với một vụ tranh chấp rất phức tạp và cực kì nhạy cảm về mặt chính trị vẫn có thể đưa ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng.
Phán quyết góp phần khẳng định vai trò của luật quốc tế và tinh thần thượng tôn pháp luật, và khẳng định rằng trước luật pháp, các quốc gia đều bình đẳng như nhau.
Về mặt nội dung, Tòa Trọng tài đã thiết lập các chuẩn mực pháp lý đối với các yêu sách trên biển, qua đó khẳng định vai trò trung tâm của UNCLOS và luật quốc tế nói chung trong các tranh chấp về biển.
Tòa cũng đã làm rõ các yêu sách vốn từ trước đến nay hết sức mơ hồ về mặt pháp lý mà Trung Quốc duy trì tại Biển Đông, từ đó làm rõ phạm vi tranh chấp. Phán quyết mở đường cho các nỗ lực tiếp theo để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hoà bình và công bằng nhất, thông qua các cơ chế song phương hay khu vực.
Mặc dù phần lớn sự chú ý đều dồn vào các phần của phán quyết liên quan đến đường chín đoạn và quy chế đảo, các vấn đề khác mà Toà xem xét như nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của Trung Quốc đối với các hành vi của ngư dân Trung Quốc trên biển, đối với hành vi của các tàu chấp pháp Trung Quốc, đối với việc khai thác tài nguyên thiên nhiên biển và bồi đắp đảo đe doạ đến môi trường biển, việc Trung Quốc tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, đều cung cấp cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia khác trên Biển Đông, chịu ảnh hưởng bởi các hành vi này, có thể phản đối và có các biện pháp phù hợp…
(http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/07/160714_nguyenngoclan_comments_pca_verdict?SThisFB)
Vấn đề chủ quyền biển, tranh chấp biên giới, biển đảo luôn vô cùng phức tạp, cần phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu rộng các cơ sở luật pháp quốc tế, so sánh với thực tế thì mới có thể hiểu rằng Việt Nam chứ không phải Trung Quốc mới có đầy đủ cơ sở lịch sử, pháp lý, thực tiễn… khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông. Thực tế như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm đọc các tư liệu lịch sử biển đảo, các bản đồ, hải đồ quốc tế… để biết được rằng cha ông ta từ ngàn xưa đã tới đây, ở đây, coi đây là ngư trường quen thuộc; để biết được chủ quyền của Việt Nam từ lâu đã được quốc tế công nhận trên những tấm bản đồ hàng hải, địa lý hàng trăm năm trước và các cứ liệu đã được công bố.
Đừng trách các bạn trẻ TFBoys. Họ trẻ dại và thiếu hiểu biết, thiếu thông tin chính xác thôi mà! Lớn lên một chút, hay được tiếp cận thông tin đầy đủ, họ sẽ hiểu và sẽ chuyên tâm vào ca hát!
Trong một diễn biến khác, sau phán quyết của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định: Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.