Sau nhiều tháng gây tranh cãi và nỗ lực tái cấu trúc, OpenAI – tổ chức đứng sau ChatGPT – vừa tuyên bố sẽ giữ nguyên mô hình phi lợi nhuận. Đây được xem là một chiến thắng đáng kể dành cho Elon Musk, người đồng sáng lập OpenAI và gần đây đã đệ đơn kiện nhằm ngăn chặn kế hoạch thay đổi này.
Việc từ bỏ mô hình phi lợi nhuận vốn xuất phát từ lý do tài chính. Dù sứ mệnh chính của OpenAI là “đảm bảo trí tuệ nhân tạo tổng quát mang lại lợi ích cho toàn nhân loại”, mô hình phi lợi nhuận đã khiến tổ chức gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Đầu năm nay, OpenAI từng nhận cam kết tài trợ 40 tỷ USD, chủ yếu từ SoftBank, nhưng khoản tiền này chỉ được giải ngân nếu công ty chuyển sang mô hình vì lợi nhuận. Giờ đây, thỏa thuận tài chính đó đang đứng trước nguy cơ bị hủy bỏ.
Dù giữ lại bộ phận phi lợi nhuận, OpenAI vẫn sẽ vận hành một công ty con thương mại – phần mà CEO Sam Altman đang điều hành. Tuy nhiên, công ty con này sẽ chuyển đổi từ mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (LLC) sang Công ty Lợi ích Cộng đồng (PBC). Theo một số nhận định, việc này có thể giúp OpenAI dễ dàng lên sàn chứng khoán trong tương lai. Hội đồng quản trị phi lợi nhuận vẫn là cổ đông chính của PBC và giữ quyền kiểm soát tổng thể tổ chức.
Cấu trúc mới này cũng cho thấy OpenAI sẽ không còn bị giới hạn bởi quy định lợi nhuận tối đa 100 lần như khi còn là LLC, mở ra khả năng thu hút nhà đầu tư lớn hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều phía. Ngoài Elon Musk – người dường như vẫn giữ mối hiềm khích cá nhân với Sam Altman sau khi rạn nứt quan hệ – còn có Meta và nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác. Họ lo ngại rằng OpenAI có thể lợi dụng nguồn vốn được huy động với danh nghĩa “phục vụ cộng đồng” để theo đuổi lợi nhuận riêng.
Câu hỏi được đặt ra lúc này là: liệu Sam Altman – người từng bị hội đồng cũ sa thải vì nghi ngờ thiếu minh bạch – có thực sự đi đúng sứ mệnh ban đầu, hay đang lèo lái OpenAI thành một công cụ sinh lời, dưới sự hậu thuẫn của những thành viên hội đồng mới đồng quan điểm với ông?
Trong khi đó, Elon Musk có thể tạm hài lòng. Với việc mô hình phi lợi nhuận vẫn được giữ nguyên, ông đã đạt được điều mình muốn – ít nhất là trên danh nghĩa. Nhưng cuộc tranh luận về ranh giới giữa lý tưởng cộng đồng và thực tế kinh doanh của trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.