Nếu bạn nghĩ dị ứng mèo chỉ có thể chữa ở người, thì nhầm rồi. Các nhà khoa học mới tìm ra cách xử lý tận “nguồn” bằng… gà.
Phần lớn người dị ứng mèo không phải vì lông, mà vì một loại protein trong nước bọt mèo tên Fel d 1. Các nhà nghiên cứu phát hiện, khi gà tiếp xúc với mèo, chúng tạo ra kháng thể chống Fel d 1 và truyền vào trứng. Cho mèo ăn trứng giàu kháng thể này có thể giảm lượng chất gây dị ứng trong cơ thể mèo. Một nghiên cứu kéo dài 26 tuần (một phần do Purina tài trợ) cho thấy kết quả khả quan, dù vẫn chưa phải cách chữa dứt điểm. Và bạn cũng đừng tự ý cho mèo ăn trứng sống, nhất là trong bối cảnh cúm gia cầm còn tồn tại. Tuy vậy, ý tưởng này có thể giúp cuộc sống của những người yêu mèo bớt ngột ngạt hơn.
Không chỉ vậy, các nhà khoa học còn vừa cho con người thấy một màu… chưa từng tồn tại. Màu này tên Olo, được tạo ra bằng công nghệ Oz, bắn tia laser vào các tế bào cảm nhận màu sắc (photoreceptor) trong mắt. Bình thường, mắt người không thể kích hoạt riêng nhóm tế bào hình nón nhạy với ánh sáng bước sóng trung bình (medium cones). Nhưng với Oz, các nhà khoa học đã làm được, tạo ra một màu xanh lục-pha-xanh dương cực kỳ lạ mắt. Năm người thử nghiệm đều miêu tả màu Olo rất giống nhau. Ngoài sự thú vị, phát minh này có thể giúp nghiên cứu mù màu, thị giác, thậm chí tạo ra những kiểu nhìn màu mới cho con người.
Cuối cùng, nhóm leo núi người Anh mới đây gây sốc khi chinh phục Everest chỉ trong năm ngày, nhờ một “vũ khí bí mật” là khí xenon. Trước chuyến leo, họ đã được gây mê bằng khí xenon, loại khí quý từng dùng trong y tế. Có ý kiến cho rằng xenon giúp tăng hồng cầu và bảo vệ não ở độ cao lớn, song vẫn chưa có bằng chứng khoa học chắc chắn. Dù thành công, họ vấp phải chỉ trích từ những người yêu leo núi truyền thống. Khí xenon đã bị cấm trong thể thao, và Liên đoàn Leo núi Quốc tế cũng không ủng hộ việc dùng nó. Everest vẫn tiếp tục là tâm điểm tranh cãi từ du lịch cao cấp, vấn đề môi trường đến các chiêu trò chinh phục đỉnh núi.
Từ gà giúp giảm dị ứng mèo, màu Olo chưa từng có, đến khí xenon hỗ trợ leo núi, khoa học tuần qua không thiếu những điều lạ lùng nhưng đầy hứa hẹn.