Nhiều loài ruồi hoverfly có màu sắc vằn vàng đen như ong vò vẽ, với hy vọng đánh lừa các loài săn mồi. Chiến lược này giúp chúng tránh bị tấn công mà không cần tiến hóa nọc độc hay kim chích như ong thật. Nhưng hiệu quả của trò giả dạng này lâu nay vẫn là dấu hỏi lớn với giới khoa học.
Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature ngày 2/7 vừa qua đã đưa ra câu trả lời. Các nhà sinh học tiến hóa tại Đại học Nottingham (Anh) đã dùng công nghệ in 3D để tạo ra các mô hình “lai” giữa ruồi và ong, từ hình dáng, màu sắc tới kích thước. Sau đó, họ cho chim hoang dã, gà con và một số loài nhện, bọ ngựa tiếp xúc với những mô hình này để xem phản ứng.
Kết quả cho thấy chim – đặc biệt là loài sẻ lớn (great tit) – có khả năng phân biệt cực kỳ tinh vi giữa ong thật và ruồi giả. Dù những con ruồi giả trông khá giống ong, chim vẫn phát hiện ra sự khác biệt và ưu tiên tìm thức ăn dưới những mô hình ruồi hơn. Điều này trái ngược với nhện cua hay bọ ngựa, vốn dễ bị đánh lừa hơn và tỏ ra dè dặt trước cả những mô hình bắt chước chưa hoàn hảo.
Qua thí nghiệm với gà con, nhóm nghiên cứu phát hiện rằng màu sắc và kích thước đóng vai trò lớn nhất trong việc giúp ruồi tránh bị tấn công, trong khi họa tiết hay hình dáng ít quan trọng hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có giới hạn. Mô hình in 3D chỉ mang lại kích thích thị giác, chưa tái hiện được mùi, chuyển động hay âm thanh mà ong hoặc ruồi thật có thể tạo ra. Ngoài ra, các loài chim trong nghiên cứu được huấn luyện trong điều kiện an toàn, khác với tự nhiên – nơi một vết chích của ong thật có thể gây đau đớn hoặc nguy hiểm, khiến chim cẩn trọng hơn.
Dù vậy, các nhà khoa học cho rằng phương pháp in 3D mở ra hướng mới để nghiên cứu tiến hóa, giúp trả lời câu hỏi: loài vật cần “giả dạng” giống đến mức nào thì mới đủ sống sót ngoài tự nhiên?
“Chúng ta vẫn thường thấy rất nhiều kiểu bắt chước khác nhau trong tự nhiên. Nhưng làm sao để biết mức độ giống bao nhiêu mới đủ, đó vẫn là bài toán lớn của sinh học tiến hóa,” Christopher Taylor, tác giả chính nghiên cứu, chia sẻ.