Hãy tưởng tượng có một ngày, những tiếng la hét phấn khích từ phòng game bên cạnh không chỉ là niềm vui giải trí, mà còn góp phần… cứu người. Đó không còn là ý tưởng viển vông. Các trò chơi điện tử hiện đang được các nhà khoa học biến thành công cụ nghiên cứu y học, nhất là trong lĩnh vực cực kỳ hóc búa: chữa ung thư.
Con người vốn là những “cỗ máy giải quyết vấn đề”. Đó là lý do vì sao ta có thể ngồi hàng giờ trước màn hình để tìm cách vượt qua một màn chơi khó nhằn. Jeff Yoshimi, tác giả cuốn sách “Gaming Cancer”, cho rằng, chính bản năng muốn chinh phục thử thách ấy có thể biến game thủ thành những cộng sự quý giá trong nghiên cứu y học.
Trò chơi, về bản chất, là tập hợp những bài toán cần giải quyết. Trong game, người chơi phải làm đúng một chuỗi hành động, theo đúng trình tự, để giành chiến thắng. Trong nghiên cứu ung thư, các nhà khoa học cũng phải làm điều tương tự: tìm ra quy trình, bước đi chính xác để tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại cho phần còn lại của cơ thể. Vấn đề là, khác với game, đôi khi các nhà khoa học không hề biết liệu “đường đi” ấy có tồn tại không.
Citizen science games – các trò chơi khoa học cộng đồng – được tạo ra để biến những vấn đề thực tế, chưa có lời giải, thành thử thách cho hàng triệu người chơi cùng tham gia. Mục tiêu là tận dụng trí tò mò và kỹ năng giải đố của cộng đồng game thủ để tìm ra những cách tiếp cận mới mà bản thân giới khoa học cũng chưa từng nghĩ tới.
Tiêu biểu nhất phải kể đến ba trò chơi: Foldit, EteRNA và Nanocrafter.
Những trò chơi này không chỉ dừng lại ở lý thuyết. EteRNA từng mở một thử thách cộng đồng (OpenVaccine Challenge) nhằm tìm ra thiết kế RNA giúp vaccine Covid-19 ổn định ở nhiệt độ thường, thay vì phải bảo quản lạnh sâu. Kết quả, các loại vaccine sau này đã có tính ổn định cao hơn, giúp phân phối dễ dàng hơn, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.
Tác giả Jeff Yoshimi nhấn mạnh, không nhất thiết người chơi phải tìm ra lời giải mà giới khoa học chưa nghĩ ra. Ngay cả khi không phá kỷ lục khoa học, các trò chơi này vẫn có giá trị giáo dục. Người chơi hiểu rõ hơn về sinh học, về cách cơ thể hoạt động, từ đó đưa ra các quyết định sáng suốt hơn cho sức khỏe bản thân hoặc có thể trở thành người truyền cảm hứng khoa học cho cộng đồng.
Ung thư không phải là một bài toán đơn lẻ mà là “cây” khổng lồ của vô số nhánh vấn đề. Mỗi nhánh có thể biến thành một mini-game. Và với hàng triệu game thủ trên thế giới, tiềm năng để tìm ra những lời giải mới là cực lớn.
“Ngay cả khi bạn không có nền tảng sinh học, chỉ cần bạn giỏi game, sáng tạo, hoặc có năng khiếu thiết kế, bạn vẫn có thể góp phần vào công cuộc tìm kiếm cách chữa ung thư,” Yoshimi nói.
Ý tưởng chơi game để cứu người nghe có vẻ kỳ quặc. Nhưng biết đâu, bàn tay bạn đang điều khiển nhân vật vượt chướng ngại vật lại chính là bước tiến tiếp theo của y học thế giới.