Giữa bối cảnh kinh tế nhiều bất ổn và biến động không ngừng, làn sóng từ chức ở cấp lãnh đạo cao nhất tại các doanh nghiệp Mỹ đang gia tăng đáng kể. Điều này diễn ra ngay cả khi họ là những người nhận được mức lương hàng triệu USD mỗi năm.
Theo báo cáo từ Challenger, Gray & Christmas – một công ty tư vấn nhân sự lâu đời – chỉ riêng năm ngoái, đã có hơn 2.200 CEO tại các doanh nghiệp Mỹ rời bỏ vị trí điều hành, trong đó 373 người thuộc các công ty đại chúng. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2002, thời điểm dữ liệu này bắt đầu được theo dõi.
Từng được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp, chiếc ghế CEO giờ đây lại khiến không ít người e ngại. Những tưởng khi đại dịch lùi xa, môi trường điều hành sẽ nhẹ nhàng hơn, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp đang phải vật lộn với vô số thách thức mới – từ cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, bất ổn thương mại, nỗi lo suy thoái kinh tế, đến sức ép ngày một lớn trong việc thúc đẩy đa dạng và công bằng trong nội bộ công ty.
Thậm chí, ngay cả mức lương trung bình 16,4 triệu USD mà các CEO tại nhóm S&P 500 nhận được cũng không đủ để giữ chân họ ở lại. Một số người không thể thích ứng và phải rút lui. Nhiều người khác đơn giản chỉ muốn một cuộc sống thảnh thơi sau hàng thập kỷ điều hành với cường độ cao.
Sự thay đổi lãnh đạo thường kéo theo những cơn địa chấn trong nội bộ doanh nghiệp. Từ nhân sự cấp phó cho đến chiến lược tổ chức đều có thể bị xáo trộn. Với người lao động, đặc biệt là ở những công ty đang vận hành ổn định, đây lại là lý do khiến nỗi lo mất việc ngày càng thường trực.
Không chỉ vậy, việc liên tục thay đổi người dẫn dắt còn khiến nền kinh tế – vốn đang mong manh – trở nên lệ thuộc vào những cá nhân mới còn chưa kịp thích nghi. Trong nhiều trường hợp, nhân tài có thể không còn hứng thú nhận vai trò quá nhiều áp lực mà phần thưởng không còn đủ hấp dẫn.
Thêm vào đó, việc nhiều công ty cắt giảm bộ máy quản lý cấp trung để tinh gọn chi phí khiến khối lượng công việc dồn xuống tầng dưới, làm tiêu hao động lực thăng tiến của lớp nhân sự kế cận. Không ít người trẻ quyết định rẽ hướng sớm, hoặc né tránh con đường lên tới vị trí điều hành cao nhất.
Với không ít cựu CEO, việc từ chức không phải là thất bại, mà là một sự giải thoát.
David Darragh, từng là CEO của Reily Foods, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Cục Dự trữ Liên bang khu vực Atlanta, đã chọn cùng vợ du ngoạn thay vì quay lại thương trường – dù được nhiều quỹ đầu tư mời gọi.
Blake Irving, 66 tuổi, cựu CEO của GoDaddy, hiện sống ở Mexico, chỉ tham gia họp hội đồng quản trị từ xa. Ông cho rằng: “Giữa nền kinh tế bất ổn và chính trường khó lường, điều hành doanh nghiệp không còn là hành trình hấp dẫn, dù đối với người giỏi”.
Tình trạng “kẹt hợp đồng” cũng khiến nhiều lãnh đạo kiệt sức. Theo chuyên gia tư vấn Rod McDermott, không ít CEO phải kéo dài vai trò điều hành lâu hơn cam kết ban đầu để hoàn tất các thương vụ IPO hoặc M&A – những việc giờ đây dễ trở thành gánh nặng hơn là cơ hội.
Không chỉ những người đã sát tuổi nghỉ hưu, nhiều lãnh đạo ở độ tuổi 40–50 cũng rời bỏ vị trí cao nhất để cân bằng cuộc sống.
Ryon Beyer, 49 tuổi – cựu giám đốc tài chính tại Washington D.C – đã đưa cả gia đình chuyển đến Puerto Rico để có thời gian theo dõi các trận thi đấu thể thao của con trai. Anh chấp nhận giảm thu nhập để đổi lấy sự gần gũi với gia đình.
Parson Hicks, 43 tuổi, từng làm trong lĩnh vực y tế, cũng rút lui sau nhiều năm đối mặt với stress và chứng mất ngủ. Cô chia sẻ: “Tôi có thể xử lý khủng hoảng, nhưng không thể sống mãi trong khủng hoảng”.