Với quyết định chấp thuận niêm yết hơn 1,79 tỷ cổ phiếu mang mã VPL trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Vinpearl chính thức trở thành mảnh ghép tiếp theo trong hệ sinh thái niêm yết của Vingroup, sau Vinhomes, Vincom Retail và các doanh nghiệp liên kết khác.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu cái tên Vinpearl xuất hiện trên sàn. Cổ phiếu VPL từng được niêm yết từ năm 2008, nhưng sau đó rút khỏi sàn năm 2011 khi Vinpearl sáp nhập với Vincom để hình thành nên tập đoàn Vingroup như hiện nay. Gần 14 năm sau, VPL tái xuất – lần này là một doanh nghiệp gần như độc lập, với định hướng tập trung toàn diện vào ngành du lịch – giải trí.
Là thương hiệu chiến lược đầu tiên được Technocom – tiền thân của Vingroup – xây dựng từ đầu những năm 2000, Vinpearl hiện đã phát triển thành chuỗi nghỉ dưỡng – giải trí lớn nhất cả nước. Tính đến nay, công ty quản lý 30 khách sạn và resort tại 18 tỉnh thành, hơn 16.000 phòng, 4 công viên chủ đề, 5 khu vui chơi giải trí, 4 sân golf cùng nhiều trung tâm hội nghị – ẩm thực đạt chuẩn 5 sao.
Vinpearl còn sở hữu công viên bán hoang dã, học viện huấn luyện ngựa và đang mở rộng thêm các sản phẩm gắn với trải nghiệm đa thế hệ, dịch vụ MICE và du lịch cao cấp. Đáng chú ý, chuỗi tổ hợp VinWonders – “vũ khí” chiến lược trong phân khúc giải trí – đã đón gần 7 triệu lượt khách trong năm 2024.
Sau đại dịch, Vinpearl đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ. Năm 2024, tổng doanh thu đạt 14.376 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước; lợi nhuận ròng vọt lên 2.550 tỷ đồng – cao gần gấp 4 lần năm 2023. Đây là năm có lợi nhuận ròng cao nhất kể từ sau Covid-19 và là năm thứ ba liên tiếp công ty báo lãi.
Sang quý I/2025, doanh thu đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhu cầu du lịch – nghỉ dưỡng sôi động trở lại, cùng với hiệu quả trong việc tối ưu vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Lợi nhuận sau thuế trong quý đầu năm đạt 90 tỷ đồng.
Trước thềm niêm yết, Vinpearl đã thực hiện phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu với mức giá 71.350 đồng/cổ phiếu – tương đương mức định giá xấp xỉ 5 tỷ USD. Qua đó, công ty đã huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn này được phân bổ hợp lý: góp vốn vào VinWonders Nha Trang, mua lại toàn bộ Vinpearl Cửa Hội từ công ty mẹ, đầu tư bất động sản thương mại tại Hà Giang, trả nợ vay và bổ sung vốn lưu động. Sau đợt tăng vốn, Vingroup hiện còn nắm giữ 85,51% cổ phần tại Vinpearl.
Năm 2025, Vinpearl đặt mục tiêu đạt 14.000 tỷ đồng doanh thu và 1.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Để hiện thực hóa điều này, công ty sẽ mở rộng thị trường quốc tế – trong đó có Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu – song song với đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh khai thác MICE, du lịch nhóm gia đình và các phân khúc có biên lợi nhuận cao.
Tại Đại hội cổ đông thường niên vừa qua, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định các mảng hoạt động của Vinpearl đều đã chuyển mình thành “trục có lãi”, đóng góp tích cực cho tập đoàn và tiếp tục được kỳ vọng là mũi nhọn tăng trưởng dài hạn.