Ngày 12/2, đội ngũ phát triển Pi Network thông báo sẽ chính thức mở mạng blockchain vào ngày 20/1, đồng nghĩa với việc đồng Pi – vốn được khai thác miễn phí qua ứng dụng di động suốt 6 năm qua – sẽ có thể giao dịch trên một số sàn giao dịch tiền số.
Thông tin này lập tức làm dậy sóng cộng đồng, khi Pi Network từ lâu đã là một dự án gây nhiều tranh cãi. Một bên hoài nghi về mô hình “đào coin bằng điện thoại”, cho rằng đây chỉ là một hệ thống thiếu tính minh bạch và không thực sự tuân theo nguyên tắc phi tập trung của blockchain. Bên còn lại lại nhìn nhận Pi như một cơ hội để vực dậy thị trường tiền số, vốn đang chịu áp lực lớn bởi sự thống trị của Bitcoin và trào lưu memecoin.
Tuy nhiên, giữa những tranh luận sôi nổi này, điều khiến các chuyên gia lo ngại nhất chính là những rủi ro tiềm ẩn khi Pi Network chính thức lên sàn, đặc biệt là nguy cơ pháp lý và đạo đức đối với người dùng mới.
Colin Wu, một chuyên gia nổi tiếng trong ngành tiền số, đã nhanh chóng lên tiếng cảnh báo về Pi Network ngay sau khi có tin tức rằng một số sàn giao dịch lớn sẽ niêm yết đồng Pi. Colin Wu – chủ tài khoản Wu Blockchain, một kênh tin tức tiền số có uy tín toàn cầu – khẳng định rằng Pi Network đang rơi vào vùng nguy hiểm về mặt pháp lý, đặc biệt tại Trung Quốc.
Trên nền tảng X, Colin Wu nhấn mạnh:
"Nếu còn muốn quay lại Trung Quốc, tốt nhất đừng dính dáng đến Pi. Chính quyền Trung Quốc đang trấn áp mạnh tay các mô hình Ponzi và không có vùng xám nào cho chúng cả."
Ông còn trích dẫn báo cáo từ cảnh sát thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, cảnh báo rằng Pi Network có dấu hiệu của mô hình lừa đảo. Theo đó, dự án này thu hút người dùng bằng chiêu trò “đào coin miễn phí”, nhưng thực chất lợi dụng dữ liệu cá nhân hoặc trực tiếp chiếm đoạt tài sản.
Những vụ việc lừa đảo liên quan đến Pi Network cũng đã xuất hiện. Tháng 5/2023, một người đàn ông suýt mắc bẫy khi bị dụ đổi đồng Pi lấy ô tô, thậm chí còn sẵn sàng di chuyển 200 km để giao dịch, nhưng may mắn phát hiện kịp thời.
Tại Việt Nam, Bộ Công an cũng từng lên tiếng cảnh báo về các hoạt động của Pi Network, cho rằng dự án này có dấu hiệu mô hình đa cấp, nơi người tham gia trước kiếm lợi từ người tham gia sau.
Một trong những điểm khác biệt lớn của Pi Network so với các dự án blockchain khác chính là đối tượng người dùng. Theo đội ngũ phát triển, dự án hiện có hơn 60 triệu người dùng, trong đó 20 triệu đã hoàn tất xác thực danh tính (KYC) và 10 triệu đã sẵn sàng tham gia mạng lưới blockchain.
Nhưng đằng sau những con số ấn tượng ấy là một thực tế đáng lo ngại: phần lớn người đào Pi là trung niên, sống tại các khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, Nam Á và Nigeria.
Tại Trung Quốc, dữ liệu cho thấy phần lớn người tham gia tập trung ở nông thôn, nơi kiến thức về tiền số còn rất hạn chế. Ở Việt Nam, các sự kiện do cộng đồng Pi Network tổ chức thường diễn ra tại các đô thị nhỏ, với thành phần tham gia chủ yếu là người lớn tuổi.
Điều này làm dấy lên lo ngại rằng Pi Network có thể trở thành một "bẫy tài chính" nhắm vào những người không có đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Ben Zhou, CEO sàn giao dịch ByBit, chia sẻ một cách hài hước nhưng đầy ẩn ý trên mạng xã hội X:
"Đừng đùa! Trước đây làm forex, suốt ngày bị các cô chú trung niên căng băng rôn đòi lại tiền. Giờ làm tiền số, tốt nhất là tránh xa Pi Network ra."
Ngay cả Hao Tian, chuyên gia từ CryptoInsight, cũng cho rằng vấn đề đạo đức đang bị phớt lờ khi các sàn giao dịch lớn sẵn sàng niêm yết đồng Pi. Anh thẳng thắn nhận xét:
"Ai cũng biết đây là một trò chơi Ponzi. Người nào thoát hàng trước thì thắng. Nhưng ai sẽ là người chịu thiệt? Chính là những người mới tin rằng 1 Pi = 1 Bitcoin."
Sự kiện Pi Network lên sàn chắc chắn sẽ tạo ra một cơn sốt lớn trong cộng đồng tiền số. Tuy nhiên, đằng sau những lời hứa hẹn là rất nhiều rủi ro, đặc biệt đối với những người dùng mới chưa có kinh nghiệm.
Trong thế giới tiền số, không phải mọi thứ miễn phí đều là cơ hội, và không phải mọi dự án nhiều người tham gia đều là đáng tin cậy. Câu hỏi đặt ra là: Liệu Pi Network thực sự là tương lai của blockchain, hay chỉ là một bong bóng chực chờ vỡ?