Apple từng là cái tên định hình cả ngành công nghệ với iPhone, iPad và Apple Watch. Nhưng trong năm 2025, vị thế dẫn đầu ấy đang lung lay. Khi các ông lớn như Google, Microsoft, Meta và OpenAI tăng tốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo, Apple vẫn loay hoay tìm hướng đi.
Siri – trợ lý ảo ra mắt từ năm 2011 – giờ trở thành biểu tượng cho sự trì trệ. Phiên bản nâng cấp hứa hẹn ứng dụng AI tạo sinh đã bị hoãn phát hành. Còn trong khi đó, ChatGPT, Gemini, Copilot đã len lỏi vào mọi ngóc ngách cuộc sống số.
Câu nói của Walter Piecyk và Joe Galone từ LightShed Partners châm ngòi cho tranh cãi: Liệu Tim Cook – người được mệnh danh là bậc thầy chuỗi cung ứng – có còn phù hợp để lãnh đạo Apple trong thời đại AI?
Tim Cook không phải người khởi nguồn những đột phá công nghệ. Nhưng ông lại là người biến những đột phá ấy thành đế chế lợi nhuận nghìn tỷ. Dưới thời ông, Apple từ công ty 342 tỷ USD (2011) vươn lên gần 3.000 tỷ USD (2025).
Dù vậy, giới quan sát cho rằng kỷ nguyên AI không giống phần cứng, và Apple cần một người có “máu công nghệ”, sẵn sàng đặt cược vào phần mềm, mô hình ngôn ngữ lớn và những rủi ro đổi mới.
Apple Vision Pro – dự án kính thực tế ảo được kỳ vọng thay đổi cách con người tương tác với công nghệ – ra mắt ấn tượng nhưng doanh số ảm đạm. Xe điện Apple Car sau cả thập kỷ đầu tư, âm thầm bị khai tử.
WWDC 2025 có giới thiệu một vài tính năng AI như dịch trực tiếp, phân tích vận động trên Apple Watch, nhưng theo các nhà phân tích, “chỉ là để bắt kịp, không thể dẫn đầu.”
Thay đổi cấp cao cũng dồn dập. Giám đốc Tài chính bị thay thế. Giám đốc Vận hành nghỉ hưu. Craig Federighi – người phụ trách phần mềm và AI – bị soi vì “hứa nhiều, ra ít”.
Tim Cook từng thoát khỏi cái bóng Steve Jobs bằng cách viết lại định nghĩa về CEO: không cần truyền cảm hứng như Jobs, nhưng hiệu quả hơn về mặt tài chính.
Dưới triều đại của ông, Apple xây dựng hệ sinh thái kín như bưng, kiểm soát trải nghiệm người dùng từ phần cứng đến dịch vụ.
Nhưng đó cũng chính là điều khiến Apple giờ đây chậm thích ứng: khi thế giới đang dịch chuyển từ sản phẩm sang trải nghiệm do AI tạo ra, Apple vẫn ưu tiên kiểm soát – và có phần thận trọng thái quá.
Không ai phủ nhận công lao của Tim Cook. Nhưng áp lực từ thị trường, nhà đầu tư và cả người dùng ngày càng rõ: Apple cần thay đổi.
Thay đổi ấy có thể đến từ việc thâu tóm startup AI (như tin đồn về Perplexity AI), hợp tác sâu hơn với OpenAI, hay một cách tiếp cận AI mở hơn.
Nhưng nếu không hành động sớm, Apple rất có thể lặp lại vết xe đổ của Intel – gã khổng lồ từng thống trị nhưng rồi đánh mất vị thế vì không kịp chuyển mình theo làn sóng công nghệ mới.
Câu hỏi để lại cho tương lai: Liệu Apple có còn là “người tạo xu hướng” hay đang trở thành “người theo sau có gu”?