Apple đang bước vào giai đoạn nhạy cảm nhất trong hơn một thập kỷ qua, khi những thay đổi về nhân sự cấp cao diễn ra cùng lúc với đà suy giảm về đổi mới sản phẩm. Trong bối cảnh đó, không ít ý kiến cho rằng "Táo khuyết" đang đối diện nguy cơ giống Nokia trước đây – một thương hiệu từng thống trị nhưng rồi dần đánh mất chính mình vì chậm thích nghi.
Theo Bloomberg, Apple đang âm thầm bước vào quá trình chuyển giao lãnh đạo quan trọng nhất kể từ sau khi Steve Jobs qua đời năm 2011. Jeff Williams – nhân vật số hai sau Tim Cook, đồng thời là Giám đốc vận hành của Apple – đã xác nhận nghỉ hưu cuối năm nay. Trong khi đó, Giám đốc tài chính lâu năm Luca Maestri cũng vừa chuyển giao trách nhiệm.
Điều đáng lo ngại là Apple hiện vẫn chưa có gương mặt kế nhiệm rõ ràng nào cho những vị trí chiến lược này. Trong khi đó, những nhân vật kỳ cựu như Greg Joswiak (Tiếp thị), Lisa Jackson (Chính sách và môi trường), Phil Schiller (App Store) đều đã bước sang tuổi 60. Đội ngũ điều hành già cỗi có thể trở thành nút thắt trong bối cảnh đổi mới đang là bài toán sống còn.
Tim Cook vẫn giữ được sự tín nhiệm từ Hội đồng quản trị và chưa có dấu hiệu sẽ rời vị trí, nhưng Apple rõ ràng đang thiếu một lớp kế cận đủ sức dẫn dắt công ty bước sang kỷ nguyên mới.
Nhiều nhà quan sát nhận định thách thức lớn nhất của Apple không nằm ở con người mà ở chính văn hóa đổi mới – thứ từng là DNA thời Steve Jobs.
Từ sau năm 2015, Apple vẫn duy trì lợi nhuận lớn từ các dòng sản phẩm quen thuộc như iPhone, iPad, MacBook, nhưng gần như không tạo ra đột phá sản phẩm nào mang tính định hình thị trường. Những nỗ lực gần đây như Apple Vision Pro hay Apple Intelligence được đánh giá cao, song chưa đủ sức tạo nên hiệu ứng "nghiện Apple" như các sản phẩm trong quá khứ.
Cảnh báo từ nội bộ cũng đã xuất hiện. Eddy Cue – người đứng đầu mảng dịch vụ của Apple và là cộng sự thân cận của Cook – từng thẳng thắn: "Nếu Apple không thay đổi, chúng ta sẽ trở thành một Nokia hay BlackBerry khác".
Sự so sánh này không phải không có cơ sở. Cả Nokia và BlackBerry từng là người dẫn đầu nhưng đều mất vị thế vì bỏ lỡ xu thế phần mềm và trải nghiệm người dùng. Apple hiện cũng đang bị chỉ trích vì quá tập trung vào lợi nhuận từ dịch vụ và phần cứng ổn định, thay vì đặt cược vào những thứ mới mẻ, đột phá.
Với việc Jeff Williams ra đi, Apple buộc phải tái cấu trúc. Một số nhóm như thiết kế phần mềm, kỹ thuật y tế, watchOS hay AppleCare đã được phân bổ lại, trực tiếp báo cáo cho Cook. Sự phân bổ lại này giúp tinh gọn quản trị nhưng cũng bộc lộ sự lúng túng trong chiến lược dài hạn.
Trong quá khứ, chính Cook là người đã giúp Apple phát triển mạnh ở Trung Quốc, ra mắt Apple Watch và AirPods, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ định kỳ. Nhưng mô hình hiện tại dường như đã đạt ngưỡng. Trong khi các đối thủ như Samsung, Huawei, Xiaomi hay Google đang liên tục bứt phá, Apple ngày càng bị đánh giá là "an toàn, nhàm chán và đi sau".
Apple hiện vẫn là công ty công nghệ có giá trị vốn hóa hàng đầu thế giới, nhưng các nhà đầu tư và người dùng bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu “quả táo” còn đủ hấp dẫn trong 10 năm tới?
Apple đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt. Nếu không tìm ra lớp lãnh đạo kế cận, không tái định hình tư duy sản phẩm và không tái sinh văn hóa sáng tạo, công ty có thể đi vào đúng “vết xe đổ” của Nokia. Lịch sử đã chứng minh: Không ai giữ được vị trí số một mãi mãi nếu ngừng đổi mới.