Theo nhận định của tờ Vox, chính các yếu tố này đã trở thành "dopamine" khiến người tiêu dùng không ngừng quay lại, biến Temu thành ứng dụng mua sắm có khả năng “gây nghiện.”
Với mục tiêu “không phải là Alibaba”, mà là xây dựng một mô hình hoàn toàn khác biệt, Temu đã chọn chiến lược nhanh - rẻ để nhanh chóng thâm nhập thị trường toàn cầu. Từ lúc xuất hiện tại Mỹ, nền tảng này đã bùng nổ và chỉ sau hai năm đã vượt qua eBay với hơn 700 triệu lượt truy cập hàng tháng, trong đó 25% từ Mỹ.
Tại Việt Nam, chiến lược “giao siêu nhanh - hàng siêu rẻ” của Temu cũng nhanh chóng tạo tiếng vang lớn. Trong vòng 2 ngày phát động chương trình affiliate, Temu đã đạt 410.000 lượt tương tác từ 7.100 bài đăng, cùng 36.850 thảo luận, chứng tỏ sức hút mạnh mẽ và khôn ngoan của họ trên thị trường Việt Nam.
Theo nhà sáng lập Colin Huang, bí quyết không chỉ nằm ở giá rẻ mà còn ở cách khiến người dùng cảm thấy họ đang săn được những “deal hời”. Giao diện của Temu như một trò chơi kích thích tâm lý FOMO, khiến người dùng sợ bỏ lỡ các cơ hội “deal sốc”. Lần đầu truy cập, người dùng được tham gia quay số giảm giá, và đến lần thứ hai hay ba thì ưu đãi trở nên hấp dẫn hơn. Điều này không chỉ kích thích người dùng tải ứng dụng mà còn giữ chân họ ở lại nền tảng.
Với các bộ đếm thời gian "Ưu đãi sẽ kết thúc hôm nay" hay quà tặng miễn phí cho những ai tải app, Temu như “cơn bão giá rẻ” đánh vào tâm lý người tiêu dùng, nhất là trong thời điểm kinh tế không mấy khả quan. Tất cả đều nhằm gia tăng số lượng mua sắm và lôi kéo người dùng quay lại nhiều lần.
Một điểm đáng chú ý khác là Temu cho phép khách hàng yêu cầu hoàn lại phần chênh lệch nếu giá sản phẩm giảm trong vòng 30 ngày từ ngày mua. Điều này giúp Temu chiếm được lòng tin từ người tiêu dùng, khi họ không lo “mua hớ”. Với mô hình kinh doanh B2C trực tiếp từ xưởng đến tay người dùng, Temu không chỉ tối ưu hóa chi phí mà còn đảm bảo tốc độ giao hàng nhanh chóng.
Đáng nói, Temu cam kết giao hàng đến tay người Việt chỉ trong 4-6 ngày. Nếu giao trễ, người dùng sẽ được nhận tín dụng 25.000 đồng cho lần mua tiếp theo – một bước đi đầy tinh tế để giữ chân khách hàng.
Bùng nổ không chỉ với giá rẻ, Temu còn mạnh tay đầu tư cho quảng cáo, bao gồm cả chi phí khủng 2 tỷ USD trong năm 2023 để quảng bá trên các nền tảng lớn như Meta và Google. Thậm chí, Temu đã chiếm sóng quảng cáo Super Bowl và tung hàng triệu USD khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng tại Mỹ.
Tại Việt Nam, Temu đang tích cực đẩy mạnh quảng cáo qua Meta và chương trình affiliate với mức hoa hồng hấp dẫn, tạo nên một làn sóng truyền thông mạnh mẽ. So với các sàn TMĐT khác, Temu giúp người làm affiliate dễ dàng hơn khi chỉ cần tạo tài khoản là có thể chia sẻ đường link, thay vì qua quy trình phức tạp như Shopee. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn gia tăng lợi ích cho người tham gia, giúp Temu chiếm ưu thế vượt trội.
Tuy nhiên, cơn sốt hàng giá rẻ từ Trung Quốc này cũng tạo nên nhiều tranh cãi và lo ngại về tác động lên các doanh nghiệp trong nước. Ngày 29/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ bãi bỏ quy định miễn thuế VAT với các đơn hàng dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT, đồng thời đề xuất thắt chặt quản lý các sàn TMĐT xuyên biên giới. Đây là một biện pháp nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp nội địa.
Với sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ công nghệ và nền tảng tài chính của công ty mẹ Pinduoduo, cộng thêm các chiến lược giá rẻ đầy cạnh tranh và cách thức tiếp cận người tiêu dùng thông minh, Temu đã xây dựng được một vị thế đáng gờm. Tuy nhiên, liệu Temu có vượt qua những thách thức pháp lý để trở thành một đối thủ thực sự đáng gờm với Shopee và TikTok Shop hay không vẫn là một câu hỏi lớn, nhưng sức hút hiện tại của nền tảng này là điều không thể phủ nhận.