Để công tâm, mình tạm không nói thêm hay bớt về Temu, mà chỉ mạn phép biên dịch lại thông tin công khai về sàn TMĐT này từ Wikipedia.
Temu là một sàn thương mại điện tử trực tuyến thuộc sở hữu của công ty PDD Holdings đến từ Trung Quốc. Nền tảng này chuyên cung cấp các sản phẩm tiêu dùng với giá cực kỳ rẻ, chủ yếu được giao trực tiếp từ Trung Quốc đến tay người tiêu dùng.
Mô hình kinh doanh của Temu đã nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ giá cả cạnh tranh, nhưng cũng vấp phải không ít lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, lao động cưỡng bức, sở hữu trí tuệ và chất lượng sản phẩm trên sàn. Đặc biệt, Temu đang vướng vào các cuộc tranh chấp pháp lý với đối thủ Shein.
Temu thuộc sở hữu của PDD Holdings, một tập đoàn thương mại đa quốc gia có trụ sở đăng ký tại Quần đảo Cayman, và văn phòng chính đặt tại Dublin. Ngoài ra, PDD Holdings còn sở hữu Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử phổ biến tại Trung Quốc. Tại Mỹ, Temu hoạt động dưới quyền sở hữu của Whaleco, Inc., một công ty con của PDD Holdings đăng ký tại các bang Delaware và Massachusetts.
Temu chính thức ra mắt tại Mỹ vào tháng 9 năm 2022 và đã phát quảng cáo trong trận Super Bowl vào tháng 2 năm 2023. Sau đó, Temu mở rộng sang thị trường Úc, New Zealand, và sau đó là các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, và Vương quốc Anh. Vào tháng 1 năm 2024, Temu đã chính thức ra mắt tại Nam Phi, trở thành quốc gia thứ 49 mà Temu đặt chân đến kể từ khi ra mắt.
Vào tháng 2 năm 2024, Temu đã chi 15 triệu USD cho các chương trình tặng quà trong loạt quảng cáo Super Bowl, mặc dù một số thành viên Quốc hội đã yêu cầu mạng lưới không phát sóng. Nhờ loạt quảng cáo này, Temu đã ghi nhận lượng tìm kiếm và lưu lượng truy cập tăng mạnh, đạt 100 triệu người dùng hoạt động tại Hoa Kỳ, hơn 130 triệu lượt tải ứng dụng toàn cầu và khoảng 420 triệu lượt truy cập trang web hàng tháng, theo báo cáo từ Semrush. Theo nghiên cứu của Sensor Tower, trong quý cuối cùng của năm 2023, người dùng Temu dành trung bình 23 phút mỗi tuần trên ứng dụng, so với 18 phút trên Amazon và 22 phút trên eBay.
Tháng 12 năm 2022, Shein đã kiện Temu, cáo buộc Temu sử dụng người ảnh hưởng để lan truyền thông tin sai lệch nhằm làm lợi cho Temu. Đáp lại, tháng 7 năm 2023, Temu đã kiện ngược lại Shein, cho rằng Shein đã dùng chiêu trò để đe dọa và áp lực các nhà sản xuất quần áo không được hợp tác với Temu. Tháng 7 năm 2023, Shein đã giành được lệnh cấm tạm thời yêu cầu Temu ngừng sử dụng các hình ảnh sản phẩm có bản quyền của Shein. Các vụ kiện liên quan giữa hai bên vẫn tiếp tục kéo dài và phức tạp, với những tranh chấp về sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.
Temu cho phép các nhà cung cấp tại Trung Quốc bán hàng và gửi trực tiếp đến khách hàng mà không cần thông qua các nhà phân phối trung gian tại các quốc gia đích, giúp giá sản phẩm rẻ hơn rất nhiều. Temu cũng yêu cầu các nhà cung cấp trên nền tảng của mình bán sản phẩm với giá rẻ hơn so với AliExpress và gỡ bỏ những mặt hàng không đạt yêu cầu về doanh số.
Temu cũng có các chiến dịch quảng cáo lớn trên Facebook và Instagram, đồng thời triển khai các chương trình tiếp thị liên kết, khuyến mãi và tặng quà cho người dùng khi họ giới thiệu thành công bạn bè tham gia. (Temu Affiliate Program)
Wikipedia cũng cung cấp thông tin rằng, Temu đã từng bị chỉ trích về chất lượng sản phẩm và cách xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng. Một số sản phẩm trên nền tảng này được phát hiện không đạt tiêu chuẩn an toàn tại EU, trong khi các sản phẩm khác có chứa chất độc hại vượt ngưỡng an toàn. Ngoài ra, Temu cũng bị chỉ trích về cách quản lý dữ liệu người dùng, đặc biệt sau khi có các báo cáo liên quan đến việc Temu có liên hệ với các ứng dụng khác của PDD Holdings bị phát hiện chứa mã độc.
Tháng 6 năm 2023, một báo cáo từ Ủy ban Cạnh tranh Chiến lược Hoa Kỳ - Trung Quốc đã nêu rõ rằng Temu không tuân thủ các quy định về lao động cưỡng bức theo Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức Người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur Forced Labor Prevention Act). Báo cáo cáo buộc rằng chuỗi cung ứng của Temu có nguy cơ cao bị "nhiễm bẩn" bởi lao động cưỡng bức.
Như vậy, theo những thông tin từ Kho bách khoa toàn thư Wikipedia, Temu là của Trung Quốc, nổi tiếng với chính sách giá rẻ và cực kỳ cạnh tranh. Tuy nhiên, có vẻ như Temu đang đang gặp phải nhiều vấn đề liên quan đến chất lượng, quyền riêng tư, và các vấn đề pháp lý với đối thủ Shein. Các tranh chấp này đang dần làm sáng tỏ những mặt tối trong mô hình kinh doanh của Temu và tạo ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển của nền tảng này.
Tại Việt Nam, Temu âm thầm gia nhập thị trường, không rầm rộ bằng các sự kiện hay quảng cáo lớn, mà chủ yếu thông qua các chiến dịch tiếp thị liên kết giới thiệu người dùng, tải ứng dụng và chiết khấu hoa hồng mua hàng cao.
Đáng lưu ý là mặc dù triển khai chương trình Tiếp thị liên kết mạnh mẽ như vậy, nhưng theo Bộ Công Thương cho biết, hiện Temu vẫn chưa đăng ký pháp nhân tại Việt Nam, tất nhiên là không có giấy phép kinh doanh TMĐT cho Chính phủ Việt Nam cấp.
Theo thông báo về chương trình Affiliate của Temu, sàn TMĐT này cho biết chịu chi đến 50.000 cho mỗi lượt giới thiệu thành công, hoặc nếu bạn là KOL có kênh Tiktok hoặc Instagram có lượt theo dõi cao có thể kiếm được đến 350.000 cho mỗi liên kết được mời. Bên cạnh đó, Temu chi trả đến 20% tiền hoa hồng thứ cấp. Nghe có vẻ khá hấp dẫn, và thu hút được đông đảo các affiliater Việt Nam tham gia.
Trong bài sau, mình sẽ tìm hiểu kỹ hơn về mô hình Temu Affiliate và chia sẻ cho các bạn nhé.