Thay vì chỉ tranh cãi trên các bài báo khoa học, các nhà nghiên cứu Anh quốc đang hiện thực hóa kế hoạch tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, không ở đâu xa mà ngay trên Venus — hành tinh chị em của Trái Đất. Họ chuẩn bị phóng sứ mệnh Venus Explorer for Reduced Vapours in the Environment (VERVE), nhằm truy tìm dấu vết vi khuẩn trong tầng mây dày của hành tinh này.
VERVE sẽ được gắn kèm lên tàu EnVision của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), dự kiến rời bệ phóng năm 2031. Khi đến Venus, thiết bị nhỏ gọn cỡ CubeSat này sẽ tách khỏi tàu mẹ để tự thực hiện khảo sát khí quyển.
Nguồn cơn của cuộc săn lùng vi sinh vật này bắt đầu từ những phát hiện gây tranh cãi vài năm trước. Năm 2020, các nhà thiên văn tuyên bố tìm thấy phosphine trong khí quyển Venus — một chất ở Trái Đất chỉ được sinh ra nhờ hoạt động sinh học hoặc công nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu tiếp theo lại không thể xác nhận kết quả này, khiến cộng đồng khoa học chia rẽ.
Mới đây, dự án JCMT–Venus sử dụng kính thiên văn James Clerk Maxwell tại Hawaii đã phát hiện phosphine chỉ xuất hiện vào ban đêm, vì ánh sáng Mặt Trời nhanh chóng phá hủy nó. Đồng thời, lượng phosphine trong bầu khí quyển Venus cũng biến thiên theo thời gian, càng làm bí ẩn thêm sâu.
Không chỉ phosphine, nhóm nghiên cứu của Đại học Cardiff còn phát hiện khí ammonia trên Venus — một dấu hiệu khả dĩ khác cho sự sống. “Chúng tôi tiếp tục tìm thấy bằng chứng cho thấy có ammonia ở những lớp khí quyển có điều kiện phù hợp cho sự sống,” nhà thiên văn Jane Greaves từ Đại học Cardiff chia sẻ. “Hiện chưa có quy trình hóa học tự nhiên nào giải thích được sự hiện diện của phosphine hay ammonia, cách duy nhất để chắc chắn là phải trực tiếp đến đó.”
Dù bề mặt Venus nóng tới 450 độ C, các lớp mây ở độ cao khoảng 50 km lại mát hơn nhiều, dao động từ 30–70 độ C. Các nhà khoa học tin rằng những dạng sống siêu chịu đựng như vi khuẩn ưa nhiệt trên Trái Đất có thể tồn tại trong môi trường khắc nghiệt ấy.
Nếu sứ mệnh VERVE thành công, nhân loại có thể tiến gần hơn bao giờ hết đến việc trả lời câu hỏi lớn: Liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không?