Rùa biển – loài sinh vật cổ xưa từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng – đang dần hồi sinh nhờ các biện pháp bảo tồn hiệu quả. Một công bố khoa học đăng trên tạp chí Inter-Research Science Publisher đầu tháng 4/2025 mang đến tin vui: hơn một nửa trong số 48 nhóm quần thể rùa biển toàn cầu đang có dấu hiệu phục hồi.
Các nhà nghiên cứu, trong đó có nhà sinh thái học Bryan Wallace từ tổ chức Ecolibrium, cho biết: “Kết quả khảo sát cho thấy hiệu quả rõ rệt của nhiều chiến lược bảo tồn hiện có.” Cụ thể, 53% nhóm quần thể được khảo sát có điểm số đe dọa cải thiện, trong khi chỉ 28% bị xấu đi.
Trên thế giới hiện có 7 loài rùa biển. Trong đó, 6 loài đã được xếp vào nhóm bị đe dọa hoặc nguy cấp. Loài còn lại – rùa lưng phẳng (flatback turtle) – chưa đủ dữ liệu để đánh giá. Dù số lượng loài hạn chế, rùa biển lại phân bố rộng khắp các đại dương, sinh sống trong nhiều hệ sinh thái khác nhau.
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất với rùa biển lại đến từ con người:
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy sự phân hóa theo khu vực. Đa số quần thể rùa đang bị đe dọa nghiêm trọng sinh sống ở Thái Bình Dương, trong khi các quần thể ít rủi ro hơn lại nằm ở Đại Tây Dương.
Đặc biệt, rùa Kemp’s ridley (Lepidochelys kempii) – loài hiếm nhất trong các loài rùa biển – có chỉ số nguy cơ cao nhất. Trong khi đó, rùa da (leatherback turtle) cũng đang đối mặt với đà suy giảm số lượng tổ đẻ tại Thái Bình Dương.
Tại Mỹ, tất cả các loài rùa biển đều được bảo vệ theo Đạo luật các loài nguy cấp (Endangered Species Act). Đồng thời, Công ước CITES cũng nghiêm cấm buôn bán quốc tế các loài rùa biển và sản phẩm liên quan.
Giáo sư Stuart Pimm, nhà sinh thái học tại Đại học Duke (không tham gia nghiên cứu), nhận định: “Câu chuyện về rùa biển là một trong những thành công tiêu biểu của bảo tồn tự nhiên.”
Dù không phải tất cả các quần thể đều hồi phục, nhưng kết quả khảo sát là minh chứng rõ ràng rằng khi con người nỗ lực, thiên nhiên có thể hồi sinh. Chúng ta không thể khắc phục mọi tổn thất đã gây ra, nhưng nếu hành động có trách nhiệm, những điều tích cực sẽ đến.