Một loạt video nói về cuộc sống văn phòng giờ càng thịnh hành trên nền tảng có 1 tỷ người dùng mỗi tháng này. Các clip có độ dài vài chục giây, thường được lồng kèm các bài hát để tăng tính mỉa mai hoặc đôi khi chứa cả ngôn từ chửi thề, tục tĩu, thu về hàng triệu lượt xem.
Các hashtag đi kèm phổ biến cho trào lưu này là #worktok, #careertok, #work.
Nội dung của chúng chủ yếu xoay quanh các phàn nàn, chế giễu công việc hiện tại; từ việc khó chịu khi phải bật camera khi họp online hay việc luôn phải báo cáo công việc với sếp. Đại đa số nội dung các video thường nêu ra những đòi hỏi vô lý của người quản lý hoặc mỉa mai các công ty bóc lột nhân viên quá đáng.
Chase Coleman, làm việc trong lĩnh vực công nghệ tại Mỹ, chuyên làm clip “gỡ rối” về các vấn đề nhỏ nhặt như cách hoàn toàn tách khỏi máy tính sau giờ làm hay giải quyết hàng chục email một lúc.
Henry Nelson-Case, một luật sư tại Anh, lại có đông lượt theo dõi nhờ chế giễu các ông chủ thích vắt kiệt sức lực nhân viên và liên tục nhấn mạnh người đi làm nên ưu tiên sức khỏe của mình lên hàng đầu vì nhiều công ty chỉ coi họ là công cụ kiếm tiền.
Xét ở khía cạnh nào đó thì việc “bóc phốt” những điều độc hại tại môi trường công sở cũng có mang đến cho người xem nhiều khía cạnh để đánh giá để chọn một môi trường làm việc nào đó. Thế nhưng không phải lúc nào việc “bóc phốt” công khai thế này cũng được nhìn với ánh mặt thiện cảm.
Trước kia, thông báo công khai điều không hay ở nơi làm việc bị xem là không khôn ngoan, thiếu khéo léo, tự đưa mình vào thế khó. Việc chê bai môi trường làm việc ngay cả khi đã nghỉ làm cũng không được khuyến khích vì dễ làm các nhà tuyển dụng sau này có cái nhìn thiếu thiện cảm về ứng viên.
Khoan xét đến yếu tố tuyển dụng hoặc đổi công việc, trào lưu mới nổi thật sự cũng đã mang đến cho nhiều người khác nhiều rắc rối, nhất là khi nó gây tác động trực tiếp đến hình ảnh của các công ty. Nhiều người cũng đã bị mất việc vì hành động này
Đầu tháng 8, một giáo viên tên Nicole Johnson (29 tuổi) bị cho thôi việc vì làm clip phản ứng lại thái độ của đồng nghiệp.
Trong một video, Johnson chia sẻ rằng một đồng nghiệp đã chỉ trích việc cô sử dụng TikTok với hội đồng nhà trường. Mục đích của việc này là khiến cô thất nghiệp.
Trước đó, Johnson từng khoe trên TikTok: “Tôi nói với đồng nghiệp rằng không thể đến sớm vì có con nhỏ, nhưng hôm nào tôi cũng đến cùng một cốc Starbucks”.
Phản hồi về ý kiến của đồng nghiệp, Johnson phản bác lại: “Tôi không cảm thấy video có vấn đề. Tôi không chửi thề, không quay nội dung tiêu cực, hay quấy rối ai”.
Johnson cho biết cô đã bị chỉ trích là "thiếu chuyên nghiệp" khi đăng tải những nội dung về công việc trên trang cá nhân. Đây cũng là lý do Johnson bị cho thôi việc. Trước đó, cô nhiều lần bị nhà trường cảnh báo vì làm video "mang tính quấy rầy đồng nghiệp".
Tháng 7 vừa qua, Lexi Larson, một người dùng TikTok sống tại Denver (Mỹ), cũng đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng cô đã bị đuổi việc sau khi đăng clip nói về mức lương của mình.
Dù nội dung cô đăng tải không vi phạm bất kỳ quy định nào, nhưng cô vẫn bị sa thải với lý do bảo mật. Larson cho biết: "Tôi đã phải đánh đổi công việc vì TikTok".