Trong những năm qua, TikTok đã vướng vào hàng loạt tranh cãi pháp lý trên khắp thế giới. Nguyên nhân chính nằm ở mối quan ngại của các chính phủ về sự liên hệ chặt chẽ giữa TikTok và Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng to lớn mà nền tảng này tạo ra, đặc biệt đối với giới trẻ.
Tháng 12/2024 chứng kiến hàng loạt quốc gia áp đặt biện pháp nghiêm khắc với TikTok. Tại Albania, chính phủ quyết định cấm ứng dụng trong một năm sau vụ việc một thiếu niên thiệt mạng vì xích mích trên mạng xã hội. Thủ tướng Edi Rama nhấn mạnh: “Nếu TikTok không bảo vệ trẻ em Albania, thì Albania sẽ bảo vệ trẻ em khỏi TikTok.”
Còn tại Nga, TikTok liên tục bị phạt do không tuân thủ các quy định kiểm duyệt nội dung. Chỉ trong vòng sáu tháng, số tiền phạt lên tới 90.000 USD.
TikTok từng là một trong những ứng dụng phổ biến nhất tại Ấn Độ trước khi bị cấm hoàn toàn vào năm 2020. Lệnh cấm được ban hành sau căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Điều này buộc hàng triệu nhà sáng tạo nội dung tại đây phải chuyển sang các nền tảng khác như YouTube và Instagram, dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ của các "ông lớn" công nghệ Mỹ tại thị trường này.
Nepal cũng từng cấm TikTok gần một năm vì không kiểm soát được nội dung kích động thù hận. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã được dỡ bỏ vào tháng 8/2024 sau khi chính phủ mới của Thủ tướng K.P. Sharma Oli nắm quyền.
Tại Indonesia, TikTok từng phải đóng cửa dịch vụ mua sắm trực tuyến TikTok Shop vào năm 2023 vì không tuân thủ luật pháp địa phương. Sau đó, ứng dụng này chỉ được phép hoạt động trở lại khi hợp tác với Tokopedia, một nền tảng thương mại điện tử lớn nhất nước.
Tại Mỹ, TikTok đang đấu tranh để ngăn chặn đạo luật buộc công ty mẹ ByteDance phải bán lại ứng dụng hoặc đối mặt với lệnh cấm. Các cơ quan chức năng lo ngại dữ liệu người dùng Mỹ có thể bị chia sẻ với chính phủ Trung Quốc.
Nhiều nước phương Tây, bao gồm Anh, Pháp và Canada, chọn cách tiếp cận khác bằng cách hạn chế TikTok trên các thiết bị công do chính phủ cấp.
Sức hút của TikTok đến từ thuật toán độc quyền, giúp gợi ý nội dung liên tục dựa trên sở thích cá nhân. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nền tảng bị chỉ trích vì khả năng lan truyền thông tin sai lệch và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
TikTok khẳng định rằng dữ liệu của họ được xử lý minh bạch và không chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với nhiều quốc gia, những tuyên bố này vẫn chưa đủ để xua tan mối lo ngại.