Thị trường việc làm đang nóng lên, và sự phẫn nộ của nhân viên cũng theo đó mà dâng cao. Một xu hướng mới mang tên "revenge quitting" (tạm dịch: nghỉ việc để trả thù) được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2025, khi ngày càng nhiều nhân viên lựa chọn rời bỏ công việc không phải vì cơ hội mới, mà để gửi đi thông điệp phản kháng mạnh mẽ.
Edel Holliday-Quinn, một nhà tâm lý học kinh doanh, chia sẻ với Business Insider rằng cảm giác kiệt quệ, bị đánh giá thấp và sự bất mãn đang âm thầm hình thành trong môi trường làm việc. Nguyên nhân chủ yếu đến từ áp lực công việc ngày càng tăng, cộng thêm những mâu thuẫn về cách làm việc kết hợp giữa trực tiếp và từ xa.
"Năm 2025, nhiều người sẽ quyết tâm thay đổi: ‘Năm mới, công việc mới,’" bà nói. "Thị trường việc làm đang nới lỏng, và với những nhân viên đã chịu đựng thất vọng trong thời gian dài, đây có thể là lúc họ công khai rời đi – không còn âm thầm mà đầy ý nghĩa."
Holliday-Quinn giải thích rằng "bỏ việc để trả thù" không chỉ là tìm kiếm cơ hội mới, mà còn là cách để nhân viên khẳng định quan điểm cá nhân về sự không hài lòng với công ty hiện tại.
Theo các chuyên gia, một môi trường làm việc độc hại chính là yếu tố hàng đầu thúc đẩy nhân viên ra đi. Kết quả khảo sát từ nền tảng phúc lợi nhân viên Businessolver năm 2023 cho thấy 42% nhân viên và 52% giám đốc điều hành thừa nhận rằng họ đang làm việc trong một môi trường không lành mạnh.
Trong khi đó, xu hướng “productivity theater” (giả vờ bận rộn nhưng thực tế không hiệu quả) cũng đang lan rộng. Nhiều nhân viên cố tỏ ra mình bận rộn hoặc căng thẳng để qua ngày, nhưng sự gắn kết thực sự với công việc đã biến mất.
Beth Hood, nhà sáng lập nền tảng Verosa, nhận định: “Sự bất mãn của nhân viên hiếm khi bắt nguồn từ một sự kiện duy nhất. Đó thường là sự mài mòn dần dần các động lực nội tại như ý nghĩa công việc, kết nối xã hội và cảm giác an toàn.”
Các chuyên gia cảnh báo rằng năm 2025 có thể là hồi chuông cảnh tỉnh cho các công ty không sẵn sàng đối mặt với những thay đổi trong kỳ vọng của nhân viên, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Nhóm lao động trẻ này đang ngày càng không chấp nhận các mô hình làm việc lỗi thời và hệ thống phân cấp cứng nhắc.
“Các công ty không thích ứng sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân nhân tài,” Holliday-Quinn nhấn mạnh.
Ciara Harrington, Giám đốc nhân sự của Skillsoft, khẳng định: “Hầu hết nhân viên rời đi không phải vì công ty mà vì sếp. Nếu lãnh đạo không được đào tạo để trò chuyện và lắng nghe nhân viên, họ sẽ mất đi những nhân tài quý giá.”
Báo cáo của Businessolver cũng cho thấy khoảng cách lớn giữa nhận thức của lãnh đạo và nhân viên về sự đồng cảm trong quản lý. Trong khi 55% CEO tin rằng họ lãnh đạo bằng sự đồng cảm, chỉ 28% nhân viên đồng ý với quan điểm này.
Các chuyên gia cho rằng chìa khóa để giữ chân nhân viên nằm ở việc đầu tư vào lãnh đạo. Một lãnh đạo tốt không chỉ gắn kết và thúc đẩy đội ngũ mà còn có thể biến trải nghiệm công việc trở nên tích cực hơn, dù chỉ qua những hành động nhỏ như lắng nghe và hỗ trợ hiệu quả.
“Nếu nhân viên cảm thấy được lắng nghe và đối xử tử tế, họ sẽ sẵn lòng hỗ trợ quá trình chuyển giao công việc hoặc ở lại lâu hơn. Điều này mang lại lợi ích lớn cho tính liên tục của doanh nghiệp,” Harrington chia sẻ.
Tuy nhiên, nếu các tổ chức tiếp tục phớt lờ sự bất mãn âm ỉ, làn sóng "bỏ việc để phục thù" chắc chắn sẽ lan rộng, mang theo những hậu quả khó lường. Năm 2025 không chỉ là năm của cơ hội mới, mà còn là phép thử lớn cho các nhà tuyển dụng trong việc bảo vệ giá trị cốt lõi và gắn kết nhân viên.