Giới công nghệ cho biết ChatGPT đã có số người dùng trong mơ của bất kỳ một ứng dụng khởi nghiệp nào. Với hơn 10 triệu user hàng ngày sau 40 ngày ra mắt, công cụ được phát triển bởi OpenAI đã vượt qua cả Instagram về độ tăng trưởng.
Trước đây, để đạt được số người dùng như ChatGPT hiện tại, mạng xã hội hình ảnh của Facebook đã phải mất tới gần 1 năm (355 ngày). Tại Việt Nam, dù chưa được hỗ trợ nhưng nhiều người vẫn tạo các tài khoản ChatGPT bằng cách sử dụng VPN và dịch vụ bypass xác thực qua tin nhắn SMS.
Công cụ chatbot trí thông minh nhân tạo (AI) này được huấn luyện dựa trên bộ dữ liệu văn bản rất lớn, từ đó có thể tạo ra các cuộc trò chuyện tự nhiên với nhiều ngôn ngữ. ChatGPT thậm chí có thể làm thơ, viết code, dự báo đầu tư chứng khoán hoặc thực hiện các bài luận văn khoa học chuyên ngành. Điều này khiến cho ngành giáo dục truyền thống đang đứng trước nhiều mối lo mới.
Một cuộc khảo sát thực hiện trên 10 ngàn sinh viên ở Mỹ bởi nền tảng khoá học online Study.com cho thấy, có đến 48% sinh viên đã sử dụng ChatGPT để làm bài tập. Một ứng dụng mang tên GPTZero nhanh chóng được phát triển để chống lại việc học sinh, sinh viên lạm dụng ChatGPT làm công cụ giải bài tập, viết luận văn. Theo các nhà phát triển, GPTZero có thể giúp các giảng viên nhận ra được đâu là bài tập hay luận văn được viết bởi AI hay bởi một con người thực sự.
Bên cạnh đó, một ứng dụng khác là DetectGPT - chuyên dùng để nhận biết các sản phẩm thực hiện bởi AI cũng mới được ra mắt. Ứng dụng này sử dụng xác suất nhật ký để tìm hiểu xem đoạn văn nhất định có được tạo bằng các chương trình LLM như ChatGPT hay không. Hiện tại, độ chính xác của DetectGPT được đánh giá ở mức khoản 95%.