Cây điên điển còn gọi là muồng rút, điền thanh rất thường gặp ở các đầm lầy, ruộng nước, từ vùng nước lợ đến vùng cao của đồng bằng sông Cửu Long. Hoa điên điển có hương vị rất đặc biệt, được người dân Nam Bộ chế biến thành nhiều món ăn đặc sản ngon miệng và bổ dưỡng. Lá luộc ăn như rau hoặc nấu canh với cá rô, tép bạc. Hạt làm giá như giá các loại đậu.
Hoa điên điển xào trứng là một món ăn rất đặc biệt. Du khách nào khi đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long đều không thể bỏ qua món ăn này. Hoa điên điển rửa sạch để ráo; trứng vịt đập vào tô, nêm ít gia vị (nước mắm, tiêu, bột ngọt), một ít hành lá xắt nhỏ rồi đánh đều để sẵn. Cho dầu ăn vào chảo phi hành vừa vàng thì trút hoa điên điển vào trộn đều, sau đó đổ trứng vào để vàng mặt rồi lật qua mặt sau, khi vàng đều thì trút ra dĩa, dùng nóng trong bữa cơm.

Hoa điên điển còn được dùng để muối chua làm dưa, ăn rất lạ miệng mà ngon. Hoa điên điển rửa sạch, để ráo, cho vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh. Lấy phần lắng trong của nước vo gạo pha với muối rồi đổ vào hũ ngập hoa. Dùng lá chuối hoặc lá môn rửa thật sạch, đậy kín hũ. Khoảng 3 ngày sau, hoa chua là ăn được. Bông điên điển làm dưa chấm với cá kho, tôm kho, thịt kho thì ngon vô cùng. Nó vừa chua, vừa mặn, hơi nhẫn đắng, giòn giòn, ngon lạ, ăn rất bắt cơm, không có gì so sánh bằng. Nó được nhiều người thích, tìm ăn bởi lẽ rất ngon, hiếm chỉ có vào mùa nước nổi mà thôi.

