Ngày 31/3, Cơ quan bảo vệ dữ liệu Italia đã gửi thông cáo báo chí về việc ban hành lệnh cấm “cho đến khi ChatGPT tôn trọng quyền riêng tư”. Ngoài ra, nước này cũng mở một cuộc điều tra nhắm vào OpenAI – công ty đã tạo ra ChatGPT – do những lo ngại về cách công ty này xử lí dữ liệu người dùng.
Thông cáo báo chí không nói rõ về cách lệnh cấm sẽ được thi hành như thế nào và nó có ảnh hưởng đến các đối tác đang sử dụng ChatGPT (như Bing của Microsoft) hay không.
Lệnh cấm của Italia được ban hành trong bối cảnh sự cố ChatGPT làm lộ dữ liệu người dùng hôm 30/3 khiến nó phải tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn.
Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italia cho biết: “Quan trọng hơn, dường như không có cơ sở pháp lý nào cho việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân khổng lồ để huấn luyện các thuật toán của nền tảng”.
Cơ quan này còn cáo buộc OpenAI không tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR). Đây là bộ luật quan trọng của Liên minh châu Âunhằm hạn chế khả các công ty thu thập dữ liệu cư dân EU.
Ngoài ra, OpenAI thiếu cơ chế xác minh độ tuổi người dùng mặc dù dịch vụ ChatGPT chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên. Các cơ quan chức năng lo ngại điều này có thể khiến trẻ em tiếp cận với những câu trả lời không phù hợp từ ChatGPT.
Tại Mỹ, OpenAI và ChatGPT cũng đang gặp phải rắc rối. Trung tâm AI và Chính sách kỹ thuật số (CAIDP) vừa đệ đơn khiếu nại về ChatGPT lên Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC).
Tổ chức phi lợi nhuận này trích dẫn yêu cầu của FTC về việc sử dụng AI phải "minh bạch, rõ ràng, công bằng và hợp lý, đồng thời thúc đẩy trách nhiệm giải trình".
Khiếu nại này có thể không khiến OpenAI bị xử lí nhưng nó có thể khiến quá trình ra mắt GPT-5 bị trì hoãn.