Thay vì nuôi thú cưng truyền thống, nhiều bạn trẻ Trung Quốc lại “chăm bẵm” những vật vô tri như cục bọt kem đánh răng hay hạt xoài như thể chúng là sinh vật sống. Với họ, đó không đơn thuần là một trò đùa, mà là một liệu pháp tâm lý giữa nhịp sống hiện đại đầy cô đơn.
Celeste Shao, cô gái 23 tuổi đến từ thành phố Tô Giang, đã thu hút hàng chục nghìn lượt yêu thích trên mạng xã hội Xiaohongshu khi khoe "thú cưng" đặc biệt của mình: một khối bọt kem đánh răng màu xanh. Shao kể lại tỉ mỉ từng công đoạn chăm sóc: tưới nước đúng lúc để bọt không khô, quan sát sự thay đổi kết cấu mỗi ngày, rồi thêm vào đó những lời mô tả dí dỏm khiến người xem vừa buồn cười vừa… thấy dễ chịu.
“Tôi cảm thấy như mình đang có một người bạn đồng hành. Nhưng khác với thú cưng thật, nó không gây áp lực cho tôi,” cô viết.
Trào lưu này không dừng lại ở kem đánh răng. Trên mạng xã hội, người ta còn truyền tay nhau những "em chó xoài" – là những hạt xoài được gọt gọn gàng, vẽ mắt mũi và thậm chí mặc thêm phụ kiện. Hay như phong trào "nuôi đá", nơi các viên đá được đặt tên, viết lý lịch và được đối xử như bạn thân tâm giao.
Một thú vui phổ biến khác là nuôi “men nở” – hỗn hợp bột mì và nước để lên men làm bánh. Nhưng với giới trẻ, đó không chỉ là nguyên liệu bếp núc. Họ đặt tên trìu mến như “Bé Men” hay “Cục Bọt”, chụp ảnh từng lần “lên nắp”, chia sẻ cách chăm sóc chúng như đang nuôi Tamagotchi ngày nào.
Xiao Xiao, một thợ làm bánh ở Thâm Quyến, hào hứng kể về “đứa con men nở” của mình: “Nó không cần dắt đi dạo, không mè nheo, nhưng vẫn phản hồi lại tình cảm của tôi bằng cách lớn lên mỗi ngày.”
Peach – một người dùng khác – thì thú nhận: “Chỉ cần thấy nó phồng lên mỗi lần mở nắp là tôi đã thấy hạnh phúc rồi.” Dù vậy, quá trình nuôi men cũng không đơn giản. Mùa đông, men dễ “ngủ quên” vì lạnh, và nếu để hư, người nuôi buộc phải chia tay “bé men” với một chút tiếc nuối.
Không chỉ dừng ở thú vui tự phát, một số cửa hàng trên Taobao còn thương mại hóa trào lưu “nuôi đá”. Những viên đá với tên gọi cá tính, câu chuyện riêng được đóng gói cẩn thận và bán với mục đích làm bạn đồng hành cho người cô đơn.
“Một viên đá sẽ không bao giờ phản bội bạn, không bị bệnh hay gây phiền hà. Nó chỉ yên lặng ở đó, lắng nghe mọi điều,” một người dùng viết.
Những thú vui tưởng chừng ngớ ngẩn lại cho thấy khát khao được kết nối và được quan tâm của giới trẻ. Trong một xã hội đang quay cuồng với áp lực công việc, sự kỳ vọng từ gia đình, và cả nỗi cô đơn nơi đô thị lớn, việc “chơi” với một hạt xoài hay viên đá lại có thể là nơi nương tựa tinh thần an toàn, nhẹ nhàng nhất.
Tiến sĩ Qi Jing từ Bệnh viện Nhân dân số 2 tỉnh Hồ Nam nhận định: “Tình trạng cô đơn và áp lực tâm lý đang tăng lên trong giới trẻ. Và những hình thức đồng hành kỳ lạ này có thể là phản ứng tự nhiên để cân bằng cảm xúc.”
Giáo sư Zhang Xin, chuyên gia tâm lý học tại Đại học Bắc Kinh, phân tích thêm: “Sự chữa lành đến từ chính việc bạn không cần phải trao gửi cảm xúc quá nhiều. Không có kỳ vọng, không có rủi ro bị tổn thương – chính điều đó khiến những mối quan hệ tưởng tượng này trở nên an toàn.”
Không chỉ là thú vui nhất thời, xu hướng này còn nằm trong bức tranh rộng lớn hơn về xã hội Trung Quốc hiện đại: giới trẻ ngày càng xa rời mô hình gia đình truyền thống. Một báo cáo của Goldman Sachs dự báo đến năm 2030, số lượng thú cưng tại Trung Quốc sẽ vượt xa số trẻ em dưới 4 tuổi.
Tại Pet Fair Asia ở Thượng Hải – triển lãm thú cưng lớn nhất khu vực – người ta có thể thấy rõ sự thay đổi này. Nhiều cặp đôi không con, hoặc người độc thân, đổ xô đầu tư cho “con cưng bốn chân” – từ đồ ăn đến phụ kiện thời thượng.
Liu Yinghui, hơn 30 tuổi, chia sẻ trong khi bế mèo đến hội chợ cùng chồng: “Chúng tôi không cần con cái. Con mèo này cho tôi cảm giác được yêu thương, được nuôi dưỡng – như một thành viên trong gia đình.”
Và với những người chưa sẵn sàng cho cả mèo hay chó, thì một lọ men nở, một hạt xoài hay viên đá – dù bé nhỏ – cũng đủ để thắp lên ánh sáng dịu dàng giữa cuộc sống bộn bề.