Chỉ số khối cơ thể (BMI) – một phương pháp lâu nay để đánh giá béo phì – đang được minh oan qua một nghiên cứu mới. Theo kết quả do các nhà khoa học tại Đại học Johns Hopkins công bố trên JAMA tháng này, BMI thực sự rất chính xác trong việc xác định tình trạng béo phì ở người Mỹ.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phân tích dữ liệu từ Khảo sát Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia (NHANES), một cuộc khảo sát quy mô lớn do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thực hiện. Họ tập trung vào dữ liệu mới nhất (2017-2018), bao gồm những người không chỉ được đo BMI mà còn trải qua các xét nghiệm chuyên sâu như đo tỷ lệ mỡ cơ thể và vòng eo.
Theo tiêu chuẩn hiện hành, một người được coi là béo phì nếu có BMI từ 30 trở lên (hoặc từ 27 đối với người gốc Á). Ngoài ra, béo phì cũng có thể được xác định nếu nam giới có tỷ lệ mỡ cơ thể từ 25% trở lên và nữ giới từ 35% trở lên, hoặc vòng eo vượt quá 40 inch (khoảng 102 cm) với nam và 35 inch (khoảng 89 cm) với nữ.
Kết quả cho thấy hơn 98% những người có BMI thuộc nhóm béo phì cũng đáp ứng tiêu chí béo phì khi xét theo tỷ lệ mỡ cơ thể hoặc vòng eo. Nhóm nghiên cứu nhận định: “Mặc dù một số nhóm bệnh nhân đặc biệt (ví dụ vận động viên) có thể cần đánh giá thêm, nhưng những trường hợp này chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong dân số.”
Nghiên cứu này được công bố trong bối cảnh cộng đồng y tế đang tranh luận mạnh mẽ về việc thay đổi cách chẩn đoán béo phì. Đầu năm nay, một nhóm chuyên gia lớn đã kêu gọi không sử dụng BMI đơn lẻ làm tiêu chí duy nhất. Họ đề xuất kết hợp ít nhất hai phép đo thể trạng (trong đó BMI có thể là một) hoặc đo trực tiếp tỷ lệ mỡ cơ thể, đồng thời phân loại béo phì thành hai nhóm: béo phì tiền lâm sàng và béo phì lâm sàng – tùy theo việc béo phì đã gây ra biến chứng sức khỏe hay chưa.
Trong khi đó, các nhà vận động cho phong trào tích cực thân thể (body positivity) và chấp nhận vóc dáng béo (fat acceptance) từ lâu cũng chỉ trích BMI là một tiêu chuẩn thiếu công bằng và mong muốn loại bỏ nó. Các khuyến nghị mới đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các tổ chức lớn như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Liên đoàn Béo phì Thế giới.
Tuy nhiên, nhóm tác giả lưu ý rằng các xét nghiệm đo tỷ lệ mỡ cơ thể đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và chi phí cao, có thể làm tăng gánh nặng tài chính cho bệnh nhân. Do đó, với việc BMI đã cho thấy độ chính xác cao, không phải ai cũng cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm phức tạp.
“Với gần như toàn bộ người trưởng thành Mỹ có BMI cao, việc xác nhận thừa mỡ thông qua các xét nghiệm khác có thể không mang lại nhiều lợi ích thực tiễn,” nhóm nghiên cứu viết.
Hiện nay, khoảng 40% người trưởng thành tại Mỹ được phân loại là béo phì dựa trên chỉ số BMI. Tỷ lệ này có dấu hiệu giảm nhẹ trong những năm gần đây nhờ sự xuất hiện của các loại thuốc giảm cân mới hiệu quả hơn như Wegovy.