Sau nhiều tuần vắng bóng, Chủ tịch kiêm CEO Xiaomi, ông Lei Jun, cuối cùng cũng phá vỡ im lặng. Trong một chia sẻ ngắn trên Weibo, ông thừa nhận đã trải qua giai đoạn "tăm tối nhất" kể từ khi thành lập Xiaomi năm 2010. Những dòng viết giản dị nhưng chất chứa nhiều suy tư được đăng kèm hai hình ảnh – một góc phòng tập và một chiếc SU7 Ultra, như một cách gián tiếp gợi nhắc đến biến cố đang bao trùm công ty.
Không trực tiếp nhắc đến vụ tai nạn gây tranh cãi, nhưng việc ông Lei lần đầu lên tiếng kể từ cuối tháng 3 – thời điểm xảy ra tai nạn khiến ba người tử vong – đã khiến cộng đồng mạng chú ý đặc biệt. Bài đăng của ông nhanh chóng leo lên vị trí chủ đề được thảo luận nhiều nhất trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo truyền thông, chiếc xe SU7 gặp nạn khi đang chạy với tốc độ 116 km/h trong chế độ hỗ trợ lái, chỉ phát tín hiệu cảnh báo cho tài xế trong vòng hai giây trước khi đâm vào dải phân cách. Vụ tai nạn đã khiến ba người tử vong tại chỗ, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về độ an toàn của hệ thống lái trên dòng xe điện mới ra mắt này.
Ông Lei chia sẻ rằng ông buộc phải dừng lại, hủy bỏ các cuộc họp, không tiếp tục công tác và ngưng hoạt động mạng xã hội để “tự kiểm điểm và hồi phục tinh thần”. Tháng 4 chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt trong hoạt động trực tuyến của ông, trái ngược hoàn toàn với tháng 3 sôi động – thời điểm chiếc SU7 còn là niềm kỳ vọng của Xiaomi.
“Trong những ngày tĩnh lặng đó, tôi đã nhận được nhiều tin nhắn động viên từ bạn bè và người dùng. Chúng là nguồn động lực quý báu giúp tôi dần lấy lại niềm tin”, ông viết.
Vụ việc cũng dấy lên làn sóng tranh luận về việc người dùng đang bị hiểu nhầm giữa “hỗ trợ lái” và “tự lái”. Theo chuẩn SAE quốc tế, hệ thống mà SU7 được trang bị chỉ đạt cấp độ 2+, yêu cầu người lái luôn chủ động cầm lái. Thế nhưng trên thực tế, không ít người lầm tưởng rằng chiếc xe có thể vận hành hoàn toàn tự động – một sự ngộ nhận nguy hiểm trong bối cảnh công nghệ vẫn đang phát triển.
Ngay sau tai nạn, giới chức Trung Quốc đã vào cuộc mạnh mẽ. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin triệu tập hàng chục công ty trong ngành để nhấn mạnh yêu cầu minh bạch hóa công nghệ, siết chặt quảng cáo và đảm bảo tính chính xác trong truyền thông về khả năng lái tự động. Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cũng ra thông báo yêu cầu toàn ngành nâng cao tiêu chuẩn an toàn.
Đối với Lei Jun, dự án SU7 không chỉ là sản phẩm mới mà là cả một chương quan trọng của sự nghiệp. Ông từng khẳng định đây là “cuộc khởi nghiệp cuối cùng trong đời”. Sau gần ba năm phát triển, chiếc SU7 chính thức ra mắt vào tháng 3 với kỳ vọng tạo nên bước ngoặt cho Xiaomi trong lĩnh vực xe điện. Nhưng chỉ vài tuần sau, vụ tai nạn khiến giấc mơ ấy bị phủ bóng nghi ngờ.
Hiện Xiaomi vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về các thay đổi kỹ thuật hay cập nhật phần mềm cho hệ thống hỗ trợ lái. Tuy vậy, theo các nhà phân tích, công ty sẽ phải đối mặt với áp lực rất lớn trong việc chứng minh mức độ an toàn của sản phẩm, đồng thời làm rõ vai trò thực sự của người lái trong quy trình vận hành xe.
Khủng hoảng lần này là phép thử không chỉ với hệ thống xe thông minh của Xiaomi mà còn với bản lĩnh lãnh đạo của Lei Jun. Sự trở lại chậm rãi nhưng đầy suy tư của ông trên mạng xã hội có thể là bước khởi đầu cho một chiến lược minh bạch hơn, kỹ lưỡng hơn – điều bắt buộc trong cuộc đua khốc liệt của ngành công nghiệp xe điện đang phát triển nhanh tại Trung Quốc.