Vào đầu tháng 6, hãng xe danh tiếng từ Pháp đã chính thức xuất xưởng chiếc Chiron cuối cùng và đồng thời giới thiệu người kế nhiệm - Bugatti Tourbillon. Điểm đặc biệt của Tourbillon chính là hiệu suất cực kỳ ấn tượng và hệ thống truyền động hybrid tiên tiến.
Bugatti giải thích rằng tên của mẫu xe mới lấy cảm hứng từ một bộ phận trong những chiếc đồng hồ cao cấp, giúp tăng độ chính xác. Vì vậy, hãng xe ví Tourbillon như một tác phẩm nghệ thuật vượt thời gian.
Mẫu Tourbillon thể hiện sự tinh xảo qua cụm đồng hồ tốc độ analog, với từng chi tiết được chạm khắc tỉ mỉ. Bảng điều khiển trung tâm được trang bị các công tắc bằng nhôm, nút xoay và cần số pha lê, tạo nên vẻ sang trọng và hiện đại.
Tuy nhiên, thiết kế của Tourbillon vẫn giữ nhiều nét giống Chiron, đặc biệt là phần đầu xe với mặt ca-lăng hình móng ngựa và cụm đèn pha thanh mảnh. Phần hông và đèn hậu của Tourbillon lại gợi nhớ đến mẫu xe huyền thoại Bugatti La Voiture Noire.
Điểm khác biệt nổi bật là cửa cánh bướm, một chi tiết mới chưa từng xuất hiện trên bất kỳ mẫu Bugatti nào trước đây. Xe cũng được trang bị cánh gió chủ động phía sau, giúp tăng lực ép và hỗ trợ giảm tốc khi phanh.
Bugatti Tourbillon sử dụng động cơ xăng V16 dung tích 8.3L, sản sinh 1.000 mã lực và mô-men xoắn 900Nm. Động cơ này lớn hơn so với Chiron nhưng chỉ nặng 250kg. Thêm vào đó, xe còn có hai mô-tơ điện đặt trước và sau, bổ sung thêm 800 mã lực. Tổng công suất của Tourbillon lên tới 1.800 mã lực, cao hơn Chiron Super Sport 200 mã lực.
Với sức mạnh vượt trội, Bugatti Tourbillon có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h chỉ trong 2 giây, 0-200 km/h trong 5 giây và đạt 300 km/h trong vòng 10 giây. Tốc độ tối đa của xe được giới hạn ở 380 km/h, nhưng khi kích hoạt nút Speed Key, xe có thể đạt vận tốc 444 km/h. Xe cũng có thể vận hành thuần điện trong phạm vi 60 km.
Bugatti chỉ sản xuất 250 chiếc Tourbillon, ít hơn so với 500 chiếc Chiron. Quá trình thử nghiệm đã được bắt đầu và dự kiến những chiếc xe đầu tiên sẽ ra mắt vào năm 2026, với giá bán lên tới 98 tỷ đồng.