Thám tử tư: Phía sau vết máu (Behind the Shadow) mở đầu với hình ảnh một thám tử hết thời – Âu Dương Vĩ Nghiệp (Cổ Thiên Lạc) – sống lay lắt cùng vợ tại Kuala Lumpur, Malaysia. Từ chỗ từng là ngôi sao trong ngành điều tra, nay anh chỉ nhận các vụ mất mèo, đòi nợ hay điều tra ngoại tình. Những vụ án nghiêm túc chỉ thật sự đến khi anh nhận liền ba vụ tưởng như rời rạc – trong đó có một liên quan trực tiếp đến vợ mình.
Dù mở màn bằng tiền đề hấp dẫn, phim nhanh chóng đánh mất nhịp kể khi hé lộ danh tính hung thủ quá sớm, khiến phần còn lại trở nên thiếu kịch tính. Thay vì dẫn dắt người xem đi qua hành trình phá án bằng các manh mối sắc bén và twist bất ngờ – đặc trưng của dòng phim trinh thám – Thám tử tư lại chọn cách kể chuyện tuyến tính, thiếu cao trào và rất dễ đoán.
Ngay cả hung thủ – vốn được xây dựng với lớp vỏ bọc đặc biệt – cũng thể hiện nhiều hành vi sơ hở và phản ứng phi logic. Phần giải thích động cơ, lý do phạm tội lẽ ra là điểm bùng nổ, nhưng lại rơi vào lối mòn với những cảnh “cảm hóa” sáo rỗng, phi lý và lạc điệu.
Thất vọng không chỉ đến từ phần phá án mờ nhạt mà còn ở yếu tố tâm lý – thứ từng làm nên bản sắc của dòng phim trinh thám Hong Kong. Phim không khai thác đến nơi đến chốn tâm lý tội phạm hay nội tâm nhân vật, đặc biệt là giữa vợ chồng Âu Dương và Vịnh Tâm (Châu Tú Na). Câu chuyện ngoại tình – đáng lẽ có thể trở thành chất liệu để phân tích sự rạn nứt, bế tắc tâm lý của con người – lại chỉ được xử lý qua loa và đầy khiên cưỡng.
Ngay cả giai đoạn điều tra cũng thiếu đầu tư, khi nhân vật chính không thể hiện được năng lực thám tử như lời giới thiệu. Các kế hoạch phá án đều hời hợt, thiếu chiều sâu – khiến khán giả khó tin vào khả năng của nhân vật và càng không cảm thấy cuốn hút.
Dù là điểm sáng hiếm hoi trong dàn cast, Cổ Thiên Lạc cũng không thể gồng gánh được một kịch bản yếu. Anh thể hiện tốt hình ảnh người đàn ông trung niên mệt mỏi, ánh mắt chất chứa tâm sự, nhưng cốt truyện nghèo nàn khiến nhân vật bị mắc kẹt, không có không gian để tỏa sáng.
Các diễn viên phụ cũng gây thất vọng. Lưu Quán Đình – trong vai cảnh sát Trần Khang Dân – có diễn biến tâm lý lộn xộn, biểu cảm nhạt nhòa. Trong khi Châu Tú Na tuy trẻ trung và có nhiều đất diễn, nhưng nhân vật của cô lại mờ nhạt, thiếu chiều sâu.
Phim gây ấn tượng về mặt hình ảnh với phong cách neo-noir đặc trưng: tông màu lạnh, ánh sáng tương phản, khung hình mơ hồ. Tuy nhiên, những nỗ lực về thẩm mỹ không thể bù đắp cho sự thiếu liền mạch trong dàn dựng và nhịp phim rời rạc, đặc biệt ở các cảnh hành động vốn cần tính gấp gáp nhưng lại thiếu năng lượng.
Sau cú hit Cửu Long thành trại, Thám tử tư đánh dấu một bước lùi đáng tiếc trong sự nghiệp Cổ Thiên Lạc. Với nội dung rời rạc, nhân vật phát triển kém và chất lượng điện ảnh trung bình, phim không chỉ thất bại trong việc chinh phục khán giả mà còn thất thu tại phòng vé, với doanh thu chỉ đạt khoảng 70 triệu NDT sau hơn một tháng công chiếu – con số khó giúp nhà sản xuất có lãi.
Tóm tắt nhanh: