Tamron, thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản về ống kính máy ảnh, vừa công bố kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy lớn tại Việt Nam, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu của công ty. Dự kiến khởi công vào tháng 1/2025, nhà máy mới này sẽ đóng góp đáng kể vào sản lượng toàn cầu, hướng tới mục tiêu chiếm một nửa sản lượng Tamron vào năm 2030.
Đây là một phần trong chiến lược của Tamron nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang. Việc mở rộng sản xuất tại Việt Nam không chỉ giúp công ty giảm thiểu rủi ro từ thị trường Trung Quốc mà còn giúp tránh các mức thuế quan bổ sung mà Mỹ đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Cụ thể, ống kính của Tamron sản xuất tại Trung Quốc phải chịu thuế bổ sung 25% khi xuất sang Mỹ, trong khi sản xuất tại Việt Nam sẽ không gặp phải mức thuế này.
Nhà máy thứ hai tại Việt Nam của Tamron sẽ có vốn đầu tư lên tới 26,75 triệu USD và diện tích 28.500 m², nằm trong một khu công nghiệp ở Hà Nội. Cơ sở này sẽ đảm nhận toàn bộ chu trình sản xuất ống kính, từ đúc khuôn, sơn đến lắp ráp. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu hoạt động đầy đủ vào năm 2028 với đội ngũ lao động khoảng 1.500 người.
Hiện tại, Tamron có trụ sở chính tại thành phố Saitama (Nhật Bản) và đang vận hành hai nhà máy tại Aomori (Nhật Bản), một nhà máy ở Hà Nội và một cơ sở sản xuất lớn tại Phật Sơn, Trung Quốc. Nhà máy Phật Sơn hiện đang chiếm 65% sản lượng của công ty, trong khi cơ sở Hà Nội đóng góp khoảng 25%. Với nhà máy mới tại Việt Nam, Tamron dự kiến nâng tỉ lệ sản xuất ở Việt Nam lên 50% vào năm 2030, đồng thời giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc xuống 40%.
Trước những bất ổn từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Tamron quyết định chuyển trọng tâm sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam, trong khi nhà máy tại Phật Sơn sẽ tập trung vào thị trường nội địa Trung Quốc. Các nhà máy tại Nhật Bản sẽ chủ yếu phát triển các sản phẩm và công nghệ mới, hỗ trợ cho chiến lược dài hạn của công ty.
Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 12, thị trường châu Á đã đóng góp tới 52% doanh số của Tamron, phần lớn đến từ Trung Quốc. Theo Chủ tịch Tamron, ông Shogo Sakuraba, nhu cầu về ống kính cho thiết bị quay video mạng xã hội ở Trung Quốc vẫn còn rất lớn, và công ty dự đoán thị trường này sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, Tamron cũng đang mở rộng danh mục sản phẩm với các ống kính phục vụ hệ thống an ninh, tự động hóa, các thiết bị cao cấp cho ô tô và thiết bị y tế, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường toàn cầu.