Một thập kỷ sau khi tiếp quản, Lee Jae-yong - người thừa kế thế hệ thứ ba của Samsung - đang đối mặt với thử thách lớn nhất trong sự nghiệp. Mảng bán dẫn, từng được xem là "gà đẻ trứng vàng" của tập đoàn, đã báo lỗ 15.000 tỷ won vào năm ngoái. Trong cuộc đua chip AI, Samsung đã bị SK Hynix vượt mặt, mất vai trò nhà cung cấp chính cho Nvidia.
Không dừng lại ở đó, mảng sản xuất chip hợp đồng của Samsung cũng lao đao khi tỷ lệ thành phẩm thấp và áp lực cạnh tranh từ TSMC lẫn các công ty Trung Quốc ngày càng lớn. Cổ phiếu của tập đoàn đã giảm hơn 30% trong năm nay, khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Trước tình hình này, Samsung đã quyết định cải tổ nhân sự sớm hơn thường lệ. Những nhân vật gắn liền với thời kỳ hoàng kim như ông Jun Young-hyun và ông Han Jin-man được tái bổ nhiệm vào các vị trí trọng yếu. Tuy nhiên, chiến lược này không tránh khỏi những chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng việc dựa vào các lãnh đạo kỳ cựu có thể khiến Samsung tiếp tục mắc kẹt trong hào quang quá khứ, tương tự như sự suy thoái của Sony những năm 1990.
Theo các chuyên gia, để thoát khỏi khủng hoảng, Samsung cần một cuộc cách mạng thực sự trong chiến lược quản lý. Tập đoàn không thể tiếp tục áp dụng các phương pháp cũ để đối phó với thách thức của thời đại mới.
Bên cạnh việc cải tổ lãnh đạo, Samsung đã thành lập Văn phòng Chẩn đoán Quản lý nhằm cải thiện hiệu quả vận hành. Động thái này cho thấy Samsung đang nỗ lực để tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là cuộc khủng hoảng bán dẫn lần hai.
Tuy nhiên, liệu những bước đi này có đủ để giúp Samsung lấy lại vị thế dẫn đầu? Tương lai của gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vẫn là một câu hỏi lớn, khi đối thủ đang bứt phá mạnh mẽ trong những lĩnh vực mà họ từng thống trị.a