Triển lãm đã giới thiệu hàng loạt công nghệ nổi bật, trong đó có sản phẩm từ Công ty TNHH Song Nguyễn với công nghệ xử lý cám gạo để sản xuất bột dinh dưỡng và sữa thuần chay, hay Công ty Tàu hũ Đậu An (Fresh) với các sản phẩm từ đậu nành hữu cơ như tàu hũ, váng đậu thơm ngon, chất lượng cao. Đây không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mà còn là dịp gặp gỡ, trao đổi, thiết lập quan hệ hợp tác nhằm kịp thời nắm bắt xu hướng thị trường và thúc đẩy giao thương, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đang trên đà phục hồi.
Buổi tọa đàm "Ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến lương thực, thực phẩm" được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm đã mang đến nhiều góc nhìn quan trọng về vai trò của công nghệ sinh học trong việc phát triển bền vững nông nghiệp. Tiến sĩ Bùi Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Vinamit Organic, cho rằng các phương pháp chế biến như lên men hay sấy thăng hoa đã mở ra cơ hội bảo quản sản phẩm hiệu quả, tạo ra các mặt hàng giá trị cao như mít sấy, chuối sấy, rau quả sấy. Những sản phẩm này không chỉ giữ được màu sắc đẹp, hàm lượng khoáng chất cao mà còn phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Cùng với đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Nhi từ Đại học Thủ Dầu Một đã nhấn mạnh vai trò cốt lõi của công nghệ sinh học trong việc phát triển nông nghiệp bền vững. Theo bà, công nghệ này dựa trên các quá trình tự nhiên, ít tiêu tốn năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường, tận dụng khả năng phân hủy sinh học, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành nông nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Kỹ sư Phạm Song Quyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nông Sinh Khang Nguyên, cũng đưa ra những khuyến nghị thực tiễn nhằm nâng cao giá trị nông sản. Ông cho rằng, từ khâu chọn giống, canh tác đến thu hoạch và chế biến, việc ứng dụng công nghệ hiện đại như cảm biến đo lường đất, nước và môi trường là điều kiện tiên quyết để đảm bảo chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cần được tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu thị trường, từ thực phẩm không chứa gluten đến thực phẩm thay thế từ thực vật, đồng thời vẫn giữ được nét đặc trưng vùng miền của sản phẩm.
Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình hành động về phát triển công nghệ sinh học đến năm 2030, với mục tiêu đưa công nghệ sinh học đóng góp ít nhất 7% vào GRDP, tăng trưởng quy mô doanh nghiệp ngành này tối thiểu 50%, và thay thế 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu. Đến năm 2045, TP.HCM kỳ vọng trở thành trung tâm hàng đầu châu Á về công nghệ sinh học, đóng góp 10-15% vào GRDP, dẫn đầu khu vực về sản xuất thông minh và đổi mới sáng tạo.
Triển lãm BIOTECH EXPO 2024 khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ sinh học trong nâng cao giá trị nông sản và phát triển nông nghiệp bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ từ chính quyền, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học, công nghệ sinh học hứa hẹn sẽ là động lực để Việt Nam khẳng định vị thế trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trên trường quốc tế.