Dự án tiền ảo Pi Network một lần nữa lùi thời hạn xác thực danh tính (KYC), từ ngày 31/12/2024 xuống 31/1, và nay là 28/2, khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính minh bạch của đội ngũ phát triển.
Trong một thông báo mới nhất trên blog chính thức, Pi Core Team giải thích việc lùi thời hạn là để "đảm bảo tính toàn diện và công bằng trong hệ sinh thái". Họ khẳng định điều này sẽ giúp thêm nhiều người hoàn thành KYC và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang Mainnet.
Đây đã là lần thứ ba Pi Network thay đổi mốc thời gian KYC. Trước đó, hệ thống từng hiển thị đồng hồ đếm ngược, yêu cầu người dùng xác thực danh tính trước ngày 31/12/2024, nếu không sẽ mất phần lớn số Pi đã khai thác – ngoại trừ lượng Pi thu thập trong 6 tháng gần nhất. Nhưng sau đó, thời hạn này bị dời sang 31/1 và nay tiếp tục lùi thêm một tháng nữa.
Không ít thành viên trong các hội nhóm về Pi Network bày tỏ sự nghi ngờ trước động thái này. "Hết lần này đến lần khác, Pi Core Team đưa ra deadline mới, chẳng khác gì cậu bé Pinochio với chiếc mũi ngày càng dài", một tài khoản có tên Impermanent Pi bình luận trong nhóm có hơn 50.000 thành viên.
Hoàng Phương, quản trị viên nhóm Pi Network với 70.000 thành viên, cho rằng nhiều người đang hiểu lầm giữa gia hạn KYC và mở Mainnet. "Một số người mong chờ được giao dịch Pi trên các sàn giao dịch lớn, nhưng thực tế, việc đội ngũ liên tục trì hoãn KYC có thể cho thấy có vấn đề nội bộ chưa được giải quyết," anh nói.
Theo thống kê từ ExplorePi, hiện hơn 9,57 triệu tài khoản đã hoàn tất KYC. Những người này có thể giao dịch Pi trong hệ thống "mainnet kín" – tức chỉ có thể trao đổi với nhau chứ chưa thể giao dịch với các đồng tiền số khác.
Tuy nhiên, chỉ có 680 triệu Pi đã mở khóa sẵn sàng giao dịch nếu hệ thống bước vào giai đoạn "Open Mainnet", trong khi gần 300 triệu Pi có thể đã bị mất do chủ tài khoản quên mã khóa ví. Những con số này thấp hơn so với báo cáo hồi giữa năm 2024, khi Pi Network tuyên bố có 12 triệu người xác thực danh tính thành công.
Dù Pi Core Team thúc giục người dùng hoàn tất KYC, nhưng theo nhiều phản ánh, việc xác thực danh tính hiện gặp rất nhiều khó khăn. "Người dùng liên tục bị từ chối mà không rõ lý do. Dự án đã tồn tại 6 năm nhưng hệ thống dường như vẫn chưa sẵn sàng", trang tin Hoka News nhận xét.
Trong khi đó, đội ngũ phát triển Pi Network khẳng định thời hạn KYC không liên quan đến việc mở mạng lưới. "Open Mainnet có thể ra mắt trước hoặc sau khi thời gian gia hạn KYC kết thúc," theo thông báo từ Pi Core Team.
Năm ngoái, Pi Core Team từng đưa ra một loạt yêu cầu để có thể triển khai Open Mainnet, bao gồm hoàn thiện công nghệ, đảm bảo tính hợp pháp và đạt mục tiêu KYC. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những điều kiện này vẫn còn xa vời.
Hiện tại, ứng dụng Pi Network trên smartphone vẫn hiển thị quảng cáo, được xem là nguồn doanh thu chính của dự án. Nhiều người hoài nghi rằng việc kéo dài KYC có thể chỉ là một cách giữ chân người dùng tiếp tục tương tác với hệ thống, thay vì có kế hoạch thực sự để mở Mainnet.
Tại Việt Nam, Bộ Công an từng cảnh báo rằng các hoạt động liên quan đến Pi Network có dấu hiệu của mô hình kinh doanh đa cấp, kêu gọi người dân thận trọng trước những lời mời chào đầu tư. Điều này càng làm dấy lên lo ngại về tương lai của đồng Pi – liệu có trở thành một đồng tiền số thực sự hay chỉ là giấc mộng viển vông?