Những bức ảnh này được ghi lại khi tàu tiến vào vành nhật hoa – lớp khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời – ở khoảng cách chỉ 3,8 triệu dặm (khoảng 6,1 triệu km) tính từ bề mặt Mặt Trời. Để dễ hình dung, NASA ví rằng: “Nếu khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời là 1 foot (30,48 cm), thì Parker Solar Probe chỉ cách bề mặt Mặt Trời… nửa inch (1,27 cm).”
Tàu thăm dò đã sử dụng hệ thống Wide-Field Imager for Solar Probe (WISPR) để tạo ra đoạn video tua nhanh (timelapse) cho thấy dòng gió Mặt Trời hoạt động ngay sau khi thoát ra khỏi bề mặt sao. Ngoài ra, Parker Solar Probe còn ghi nhận những hình ảnh chi tiết về các đợt phun trào vật chất vành nhật hoa (coronal mass ejections – CME). Các dữ liệu này cực kỳ quý giá để hiểu rõ hơn về thời tiết không gian và những mối đe dọa tiềm tàng với Trái Đất.
Bà Nicky Fox, Phó quản trị phụ trách Ban Giám đốc Sứ mệnh Khoa học tại trụ sở NASA, chia sẻ: “Chúng ta đang tận mắt chứng kiến nơi bắt nguồn các hiện tượng thời tiết không gian đe dọa Trái Đất, không còn chỉ dựa trên mô hình tính toán.”
Sau chuyến bay kỷ lục hồi tháng 12, Parker Solar Probe tiếp tục thực hiện các đợt tiếp cận gần tương tự vào tháng 3 và tháng 6 vừa qua. Tàu dự kiến sẽ có lần bay tiếp theo vào ngày 15/9 tới.
Chuyến thám hiểm của Parker Solar Probe không chỉ giúp con người tiến gần hơn tới Mặt Trời về mặt khoảng cách, mà còn mở ra những góc nhìn hoàn toàn mới về hành vi và ảnh hưởng của ngôi sao duy nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.