Sau nhiều tin đồn vào năm ngoái, Meta đã chính thức xác nhận về "Project Waterworth", một tuyến cáp ngầm dài hơn 50.000 km kết nối các lục địa. Trước đây, Meta từng hợp tác trong nhiều dự án cáp biển khác, nhưng đây là lần đầu tiên công ty sở hữu hoàn toàn một hệ thống hạ tầng ngầm dưới biển.
Dự án này sẽ có các điểm kết nối tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Đặc biệt, Meta khẳng định rằng Waterworth là tuyến cáp có 24 cặp sợi quang dài nhất thế giới và được thiết kế với phương thức định tuyến tiên tiến. Công ty áp dụng công nghệ mới để đặt cáp ở độ sâu lên tới 7.000 mét, giúp giảm thiểu rủi ro từ các tác nhân bên ngoài như tàu thuyền thả neo, kéo lê dây cáp, gây hư hỏng và gián đoạn dịch vụ.
Meta không cung cấp quá nhiều chi tiết về cách sử dụng tuyến cáp này, nhưng công ty nhấn mạnh rằng cáp ngầm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các dịch vụ số như liên lạc, phát video trực tuyến, giao dịch trực tuyến và đặc biệt là kết nối tốc độ cao cho các ứng dụng AI.
Hiện tại, các nền tảng của Meta như Facebook, Instagram và WhatsApp chiếm khoảng 10% tổng lượng truy cập internet cố định toàn cầu và 22% lưu lượng truy cập di động. Việc sở hữu hệ thống cáp biển riêng sẽ giúp Meta đảm bảo kết nối ổn định hơn cho các dịch vụ của mình, đồng thời mở rộng ảnh hưởng trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông.
Tuyên bố chung của Mỹ và Ấn Độ sau chuyến thăm của Thủ tướng Narendra Modi tới Mỹ đã đề cập đến dự án này. Chính phủ Ấn Độ hoan nghênh sự phát triển của tuyến cáp Waterworth và cam kết sẽ hỗ trợ tài chính, bảo trì và sửa chữa các tuyến cáp ngầm tại Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Meta đã đính chính rằng Ấn Độ không tham gia tài trợ cho dự án Waterworth. Đây là thông tin quan trọng nhằm làm rõ vai trò của các bên liên quan trong dự án.
Với việc trực tiếp sở hữu một hệ thống cáp biển khổng lồ như Waterworth, Meta đang từng bước kiểm soát nhiều hơn cơ sở hạ tầng internet toàn cầu, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống.
Dự án này không chỉ giúp công ty đảm bảo chất lượng kết nối cho các nền tảng của mình, mà còn có thể mở ra cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ viễn thông. Nếu thành công, Meta có thể trở thành một trong những ông ty tư nhân có ảnh hưởng lớn nhất đến hạ tầng kết nối internet thế giới.