Trích dẫn lời chia sẻ của bác sĩ Võ Xuân Sơn trên báo Vietnamnet ngày 8/6 về việc các trường Đại học công lập tăng học phí cao gây xôn xao gần đây. Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, việc tăng học phí trường y lên mức 70 triệu năm có thể là bước đột phá.
Theo chia sẻ của bác sĩ Sơn, việc tăng học phí cao như hiện tại sẽ khiến cho mức lương của các bác sĩ, cả nhân viên y tế sau khi ra trường cũng vì thế mà tăng cao hơn trước, góp phần cải thiện thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, liệu tăng học phí đại học có lợi ích nhiều như thế? Thiết nghĩ, tăng học phí đại học quá cao như hiện tại sẽ gây ra nhiều hệ lụy về xã hội nghiêm trọng, thậm chí khiến cho tệ nạn gia tăng.
Học sinh nghèo sẽ khó có thể tiếp cận các trường Đại học và bỏ lỡ giấc mơ vào giảng đường chỉ vì ba mẹ…không đủ kinh tế

Mặc dù thực tế Việt Nam đang ở trong tình trạng quá coi trọng bằng cấp, thừa thầy thiếu thợ nhưng không thể vì vậy mà có thể tăng học phí các trường đại học ở mức cao như vậy. Điều này sẽ khiến cho sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt.
Những sinh viên tài năng, nghèo vì điều kiện kinh tế không đủ sẽ không thể theo đuổi việc học Đại học của mình.
Theo như chia sẻ của bác sĩ Sơn, tại nhiều quốc gia điển hình như Mỹ, học phí mặc dù cao nhưng học sinh nghèo vẫn có nhiều cơ hội để hoàn thành việc học đại học hơn là những em có gia đình không nghèo nhưng không đến mức giàu do họ được hưởng nhiều chính sách đặc biệt hỗ trợ từ Chính Phủ và các tổ chức phi lợi nhuận.

Nhưng đó là tại Mỹ, còn tại Việt Nam những tổ chức phi lợi nhuận không nhiều, chính sách hỗ trợ cho học sinh nghèo của Chính phủ còn khá nhiều hạn chế, thì có lẽ khả năng trong 3 năm tới chỉ còn người giàu là có khả năng tốt nghiệp đại học mà thôi.
Thêm vào đó sẽ ra sao các bác sĩ sau khi tốt nghiệp ra trường bị ám ảnh bởi cảnh nợ nần và dần bị méo mó lệch lạc về y đức? Sẽ ra sao nếu như một nghề cao quý “Lấy chứ tâm làm đầu” bị tiền bạc làm mờ mắt? Sẽ ra sao nếu như những ước mơ cao đẹp được cống hiến cho đời của những em sinh viên nghèo bị bóp vỡ từ trong trứng nước?
Rõ ràng rằng cứ cho mặt bằng thu nhập các bác sĩ, nhân viên y tế được cải thiện đáng kể thì nó cũng tiềm ẩn việc làm hỏng đi “nhân cách” của nhiều sinh viên sau khi ra trường.
Tệ nạn có nguy cơ gia tăng mạnh?
Để có tiền đóng học phí, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn, tiền điện ,… và loạt sinh hoạt phí khác các em sinh viên một là sẽ phải làm thêm quần quật nhiều việc dẫn đến việc sức khỏe, cơ thể suy kiệt khó có thể học được tốt nhất.
Thậm chí, không thể không nhắc đến vấn nạn nhiều sinh viên do quá bí bách về học phí có thể sẽ phải bán… cả “vốn tự có”. Như vậy không chỉ khiến cho sinh viên bị áp lực nặng nề dẫn đến lệch lạc về nhân cách mà nó còn có thể gây bùng phát nhiều tệ nạn nguy hại cho xã hội.
Cái chúng ta cần cải thiện đó chính là “chất lượng của giáo dục” và nhấn mạnh vào độ thực tiễn cũng như chú trọng thực hành nhiều.
Đó mới là cái gốc của vấn đề hiện tại. Nếu muốn tăng học phí đại học thì cũng cần phải có lộ trình đảm bảo rằng đi kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ để những học sinh tài năng của xã hội không bị bỏ lỡ chứ không nên đột ngột như thế.
Đó là ý kiến cá nhân của mình. Các bạn nghĩ sao về điều này?