Nằm khuất giữa vùng núi tỉnh Hà Bắc, làng Đông Bình từng là cái tên bị lãng quên. Nhưng từ năm 2019, khi nghệ sĩ Chu Hòa Vĩ quay về quê hương với mong muốn hồi sinh nơi này, cả khung cảnh đã dần thay đổi. Và điều đặc biệt khiến nơi đây được nhắc đến nhiều nhất: mèo.
Không chỉ là nơi cư trú của hơn 200 chú mèo hoang, Đông Bình còn có Bệnh viện Mèo, Trường Thú y và những bức tranh vẽ tay phủ kín các bức tường đá cũ. Những thông điệp như “Vùng đất chữa lành” hay “Không ai thực sự sở hữu một con mèo” được viết bằng nét chữ bay bổng, tạo cảm giác vừa nghệ thuật vừa đầy chất thơ.
Làng bắt đầu nổi lên như một hiện tượng kể từ khi được giới thiệu trên mạng xã hội Douyin năm 2022. Từ đó, dòng du khách kéo đến mỗi ngày để chụp ảnh, chơi đùa với mèo và tận hưởng không gian yên bình. Dịp Lễ hội Thuyền Rồng vừa qua, doanh thu nhà nghỉ quanh làng đạt hơn 46.000 nhân dân tệ – con số đáng kể cho một nơi từng hoang vắng.
Để giữ gìn sự hài hòa giữa người và mèo, làng đưa ra giải pháp bán túi thức ăn mèo kèm thẻ trải nghiệm với giá 10 tệ. Mục đích không phải kinh doanh, mà là để giới hạn lượng khách phù hợp và giúp họ hiểu rõ thông điệp của nơi này.
Góp phần tạo nên bức tranh đặc biệt của Đông Bình còn có Trương Vĩnh Quân – người đàn ông câm điếc, sống một mình sau mất mát cá nhân. Được ông Chu khuyến khích cầm cọ vẽ, ông Trương giờ đây đã trở thành nghệ sĩ đặc biệt, với hàng loạt tác phẩm tô điểm cho những bức tường đá cổ của làng.
Dù thành công vang dội, nhưng hành trình hồi sinh Đông Bình không hề dễ dàng. Với diện tích chỉ hơn 100m² được cấp phép ban đầu, ông Chu cùng vài cộng sự đã bỏ ra gần 5 triệu nhân dân tệ – phần lớn từ tiền cá nhân – để sửa lại mái nhà, lát lại đường, dựng bệnh viện và trường học cho mèo. Chính quyền địa phương hỗ trợ thêm về hạ tầng, cho phép cải tạo hơn 20 sân bỏ hoang, giúp dự án phát triển bền vững.
Khác với hình mẫu công viên du lịch thông thường, nơi đây giữ nguyên tinh thần tự do. Mèo không bị triệt sản hàng loạt, không bị nhốt, không bị buộc phải gắn bó lâu dài. Chính phong cách "tự nhiên thích nghi" ấy khiến nhiều người yêu động vật thấy gần gũi, dù đôi khi cũng vấp phải chỉ trích về cách chăm sóc.
Mỗi ngày trôi qua, ông Chu cùng những người bạn – một họa sĩ và một nhà thơ – vẫn ở lại làng, sống chậm với mèo và nghệ thuật. Họ không có tham vọng biến nơi đây thành khu thương mại. "Có ngày tôi muốn mở rộng. Có ngày tôi lại chỉ muốn ngồi yên, vẽ thêm vài con mèo. Dù thế nào, tôi vẫn ở lại, theo nhịp độ của mình", ông nói.
Sắp tới, ông Chu dự định mở rộng mô hình để chào đón các “cư dân kỹ thuật số” – những người làm việc từ xa nhưng muốn tìm một góc bình yên để sống cùng thiên nhiên. Dự án có phát triển hay không, với ông, cũng không quan trọng bằng việc giữ được tinh thần ban đầu: một nơi không ồn ào, nơi mèo được ngủ giữa nắng và người được chữa lành bằng sự tĩnh lặng.