Không chỉ là biểu tượng của lòng quả cảm, chiến lược “đốt cháy thuyền” từng là cách thức mà các tướng lĩnh quân sự dùng để chặn mọi lối thoái lui của binh sĩ. Một trong những minh chứng sớm nhất xuất hiện vào năm 1066, khi William – kẻ chinh phạt – dẫn quân sang Anh và cho thiêu rụi toàn bộ tàu chiến sau khi cập bến. Ông tuyên bố bằng hành động ấy rằng: hoặc tiến đến chiến thắng, hoặc tiêu vong.
Nhiều thế kỷ sau, Hernán Cortés – người dẫn đầu cuộc chinh phạt Mexico – cũng hành động tương tự. Khi đặt chân tới Cempoalla, ông ra lệnh phá hủy gần như toàn bộ đoàn tàu của mình, ngoại trừ một chiếc giữ lại vì lý do chiến lược. Đội quân của ông tuy ít ỏi nhưng buộc phải chiến đấu đến cùng. Không còn đường về, họ chỉ có thể tiến lên – và họ đã chiến thắng.
Hành động quyết liệt ấy không chỉ củng cố tinh thần binh lính mà còn gửi một thông điệp răn đe đến đối phương: đây là đội quân không còn gì để mất, chỉ còn chiến thắng để sống. Không ngạc nhiên khi nhiều kẻ thù của Cortés đã chọn rút lui hơn là đối mặt với một đối thủ đầy quyết tâm như vậy.
Chiến lược "đốt cầu" không chỉ giới hạn trên sa trường. Trong thế giới kinh doanh, Polaroid – dưới sự lãnh đạo của Edwin Land – đã thể hiện điều tương tự khi công ty chọn con đường độc đạo là nhiếp ảnh lấy liền. Trong gần ba thập kỷ, Polaroid từ chối đa dạng hóa ngành nghề, cam kết bảo vệ lãnh địa độc quyền của mình.
Cho đến năm 1976, gã khổng lồ Kodak chính thức bước vào sân chơi này, mở ra cuộc đối đầu căng thẳng. Polaroid không chỉ phản ứng bằng chiến dịch pháp lý mà còn thể hiện một tinh thần “chiến đấu đến cùng”. Edwin Land tuyên bố thẳng thừng: “Đây là mảnh đất của chúng ta. Chúng ta sẽ ở lại và chiến đấu đến cùng”.
Cuộc chiến pháp lý kết thúc năm 1990, với phần thắng thuộc về Polaroid. Kodak buộc phải bồi thường gần một tỷ USD và rút khỏi thị trường ảnh lấy liền. Dẫu vậy, chiến thắng ấy không đủ để cứu Polaroid khỏi những thay đổi công nghệ quá nhanh. Bị mắc kẹt trong niềm tin “không rút lui”, Polaroid mất dần thị phần vào tay các đối thủ linh hoạt hơn.
Sau cùng, Polaroid buộc phải thay đổi triết lý, mở rộng sang sản xuất video và phim ảnh truyền thống. Đôi khi, việc đốt cầu quá sớm có thể khiến người ta rơi vào thế bị vây khốn chính trên mảnh đất mình từng quyết tâm bảo vệ.
Ngược lại với Cortés hay William, người dân thành Troy lại từng cố gắng đốt thuyền của kẻ thù để ép họ vào thế không đường lui. Tuy nhiên, kế hoạch đó bất thành. Quân Hy Lạp vẫn rút lui – ít nhất là trong mắt người Troy – và để lại "món quà" nổi tiếng: con ngựa gỗ. Câu chuyện sau này trở thành biểu tượng của sự chủ quan và lòng hiếu thắng, khi người Troy nhận lấy món quà định mệnh mà không ngờ đó là sự diệt vong được giấu bên trong.
Không phải lúc nào sự cam kết tuyệt đối cũng mang lại thành công. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, Walter Mondale từng tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ tăng thuế – một cam kết rõ ràng và không thể rút lại. Ông hy vọng sẽ giành được lòng tin từ những cử tri ủng hộ chi tiêu công. Tuy nhiên, việc công khai “đốt cầu” với những người phản đối tăng thuế đã khiến ông mất đi sự ủng hộ từ nhóm đông đảo hơn – và cuối cùng thất bại.
Chiến lược "đốt cháy thuyền" có thể tạo ra sức mạnh tâm lý cực lớn, kích thích tinh thần chiến đấu và gửi đi thông điệp không thể thỏa hiệp. Nhưng nếu không cân nhắc kỹ bối cảnh và khả năng xoay chuyển, nó cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi.
Mark Twain từng nói: “Kẻ ngu ngốc khuyên không nên để tất cả trứng vào một giỏ, nhưng người khôn ngoan lại đặt hết vào một giỏ – và trông chừng cái giỏ đó cẩn thận”. Dám đặt cược tất cả cho một mục tiêu là bản lĩnh, nhưng sự tỉnh táo để biết khi nào nên đốt cầu – và khi nào không – mới là điều quyết định thành bại.