Sau nhiều năm chờ đợi, Pi Network cuối cùng cũng chuẩn bị bước vào giai đoạn mainnet mở vào ngày 20/2. Trước thời điểm quan trọng này, giá đồng Pi đã ghi nhận sự biến động mạnh khi một số sàn giao dịch lớn xác nhận niêm yết. Tuy nhiên, vẫn còn không ít dấu hỏi về việc liệu các nền tảng hàng đầu như Coinbase, Kraken hay Binance có tham gia cuộc chơi hay không.
Ngay sau khi sàn giao dịch OKX thông báo niêm yết cặp giao dịch PI/USDT, giá đồng Pi đã tăng mạnh, tạo ra làn sóng phấn khích trong cộng đồng. Thế nhưng, càng đến sát thời điểm mở mạng, áp lực chốt lời bắt đầu xuất hiện, khiến giá Pi giảm dần.
Trên các nền tảng phi chính thức, giá Pi IOU (I Owe You) - dạng ghi nợ trước khi Pi chính thức được giao dịch - cũng biến động dữ dội. Tối 19/2, Pi IOU được giao dịch ở mức 62,83 USD, nhưng đến trưa 20/2, con số này giảm xuống chỉ còn 30 USD. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư đang tận dụng cơ hội để chốt lời trước khi đồng Pi bước vào thị trường chính thức.
Theo đánh giá từ Crypto News, nếu Pi Network có màn ra mắt thành công, nhận được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý và được niêm yết rộng rãi, giá đồng Pi có thể tiến gần đến mốc 500 USD.
Hiện tại, một số sàn giao dịch lớn như OKX, HTX, Bybit, MEXC và Bitget đã xác nhận hỗ trợ giao dịch Pi ngay khi mainnet hoạt động. Tuy nhiên, Binance – sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới – vẫn chưa có động thái chính thức.
Binance hiện đang tổ chức cuộc thăm dò ý kiến cộng đồng, yêu cầu người dùng có tối thiểu 5 USD trong tài khoản để tham gia bình chọn xem Pi có nên được niêm yết hay không. 88% người tham gia đã ủng hộ đưa Pi lên Binance, và cuộc bình chọn sẽ kéo dài đến ngày 27/2. Nếu kết quả này được hiện thực hóa, khả năng cao Binance sẽ bổ sung Pi vào danh mục giao dịch của mình.
Dù được kỳ vọng lớn, Pi Network vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các sàn giao dịch lớn như Coinbase, Kraken, Upbit vẫn chưa xác nhận niêm yết Pi, khiến tương lai của đồng tiền này trên thị trường tiền số vẫn còn bỏ ngỏ.
Trên thực tế, những nền tảng này thường rất thận trọng với các token mới, thậm chí họ còn chưa niêm yết một số dự án đang gây sốt khác như Hamster Kombat hay Catizen. Nếu được chấp nhận trên các sàn giao dịch lớn, Pi có thể được hưởng lợi rất lớn, đặc biệt khi Upbit đang là sàn giao dịch số một tại Hàn Quốc, còn Coinbase và Kraken nắm giữ thị phần lớn tại Mỹ.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi một đồng tiền số được niêm yết trên Binance, Coinbase hay Kraken, giá trị của nó thường tăng vọt trong ngắn hạn. Tuy nhiên, với trường hợp của Pi, tác động từ Binance có thể không quá mạnh mẽ vì thông tin về cuộc thăm dò đã được lan truyền rộng rãi. Nếu Binance thực sự niêm yết Pi sau ngày 27/2, lúc này sức nóng của sự kiện có thể đã phần nào hạ nhiệt.
Mặc dù có cộng đồng đông đảo, Pi Network vẫn là một dự án gây nhiều tranh cãi. Một số chuyên gia cho rằng mô hình "tap-to-earn" (chạm để kiếm tiền) của Pi có dấu hiệu giống mô hình đa cấp hoặc "lùa gà". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào chứng minh các cáo buộc này.
Sau hơn 6 năm phát triển, Pi Network cuối cùng cũng tiến đến cột mốc quan trọng: mở mạng mainnet. Đây sẽ là lần đầu tiên Pi có thể kết nối với các blockchain bên ngoài, cho phép người dùng thực hiện giao dịch ngoài hệ sinh thái khép kín của nền tảng này. Đồng thời, hơn 100 nhà phát triển cũng đang chờ đợi cơ hội triển khai các ứng dụng phi tập trung (dApps) trên mạng lưới của Pi.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Pi Network từng thu hút hơn 50 triệu người tham gia, trong đó có 10,1 triệu người đã hoàn tất quá trình di chuyển token sang mainnet. Với cộng đồng đông đảo và sự kiện mở mạng sắp tới, Pi Network đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, có thể quyết định số phận của đồng tiền số này trong tương lai.