FBI và Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) đã phát hiện nhóm hacker Salt Typhoon nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng viễn thông của Mỹ như một phần trong chiến dịch gián điệp mạng quy mô lớn. Không chỉ vậy, ít nhất 8 công ty viễn thông lớn, bao gồm các "ông lớn" như AT&T, Verizon và T-Mobile, đã trở thành nạn nhân của nhóm hacker này.
Điều đáng lo ngại là đến nay, các chuyên gia vẫn chưa thể hoàn toàn loại bỏ sự hiện diện của Salt Typhoon trong mạng lưới viễn thông và Internet, khiến nguy cơ bị chặn tin nhắn vẫn hiện hữu.
FBI khẳng định việc nhắn tin trong cùng một nền tảng – chẳng hạn như iPhone với iPhone (qua iMessage) hay Android với Android – vẫn được bảo mật tốt. Tuy nhiên, tin nhắn giữa hai nền tảng lại dễ bị hacker tấn công, chủ yếu do lỗ hổng của giao thức RCS (Rich Communication Service).
RCS ra đời để thay thế SMS, mang đến các tính năng hiện đại như hiển thị trạng thái đọc tin nhắn, gửi ảnh chất lượng cao và cải thiện mã hóa. Tuy nhiên, trên iPhone, giao thức này vẫn chưa hỗ trợ mã hóa đầu cuối giống như iMessage, khiến tin nhắn đa nền tảng trở thành "miếng mồi béo bở" cho hacker.
Để đảm bảo an toàn, Jeff Greene, trợ lý giám đốc điều hành phụ trách an ninh mạng tại CISA, khuyến nghị người dùng nên sử dụng các ứng dụng hỗ trợ mã hóa đầu cuối như WhatsApp hoặc Telegram khi cần nhắn tin giữa iPhone và Android.
Việc chọn nền tảng bảo mật không chỉ bảo vệ thông tin cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ bị theo dõi bởi các chiến dịch gián điệp mạng tinh vi.
Trong thời đại công nghệ ngày nay, việc bảo vệ quyền riêng tư không chỉ là một lựa chọn mà còn là nhu cầu thiết yếu. FBI và CISA đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, giờ đây, người dùng cần cảnh giác hơn bao giờ hết để tránh trở thành nạn nhân của những lỗ hổng bảo mật tiềm tàng.