Một đoạn video được đăng tải trên YouTube gần đây đã khiến nhiều người phải bàng hoàng khi chứng kiến một ngày làm việc dài đằng đẵng của một nhân viên văn phòng tại Nhật Bản. Anh bắt đầu ngày mới từ 7 giờ sáng và kết thúc công việc muộn tới gần nửa đêm, kéo dài tới 18,5 tiếng – một con số khiến nhiều người khó tin và thậm chí lo ngại.
Tại Nhật Bản, cụm từ “công ty đen” thường được dùng để mô tả những doanh nghiệp có môi trường làm việc khắc nghiệt, bóc lột nhân viên và tạo ra áp lực lớn. Nhân vật chính trong video này là một “salaryman” – thuật ngữ chỉ nhân viên văn phòng trong xã hội Nhật, đang làm việc tại một công ty thuộc dạng đó. Anh bắt đầu hành trình từ lúc 7h16 sáng, rời khỏi nhà trong tâm trạng uể oải và mất gần 90 phút di chuyển mới đến nơi làm việc.
Buổi sáng, anh làm việc liên tục từ 9 giờ cho đến khoảng 13 giờ, chỉ có một khoảnh khắc nghỉ ngắn ngủi để uống cà phê vào lúc 11h35. Anh tiết lộ rằng các công ty kiểu này thường ưu tiên tuyển các bạn trẻ mới ra trường, vì họ ít kinh nghiệm và khó có thể phản kháng lại những quy định hà khắc. Sau 45 phút nghỉ trưa, công việc tiếp tục kéo dài suốt 6 tiếng nữa đến tận 20h15, khi anh cuối cùng mới rời văn phòng trong trạng thái mệt mỏi và kiệt sức.
Nhưng ngày làm việc không kết thúc ở đó. Sau khi mua đồ và mất thêm 90 phút đi về nhà, anh chỉ kịp chuẩn bị bữa tối lúc gần nửa đêm rồi đi ngủ lúc hơn 1 giờ sáng hôm sau. Cuộc sống lặp đi lặp lại chu kỳ mệt mỏi này khiến nhiều người xem video cảm thấy sốc, thậm chí không thể tưởng tượng nổi một con người lại phải sống và làm việc như vậy.
Văn hóa làm việc quá sức ở Nhật không phải là chuyện mới. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản nhiều lần ghi nhận các ngành nghề phải chịu áp lực lớn về thời gian và yêu cầu phục tùng nghiêm ngặt từ cấp trên. Theo giáo sư Hiroshi Ono thuộc Đại học Hitotsubashi, đặc điểm xã hội Nhật thiên về tập thể và phân cấp khiến nhiều người ngại nghỉ phép, vì sợ làm ảnh hưởng đến hòa khí chung trong nhóm.
Hiện tượng “karoshi” – tức chết vì làm việc quá sức – là vấn đề nghiêm trọng ở Nhật. Một trường hợp điển hình là bác sĩ Takashima Shingo, 26 tuổi, đã tự tử sau khi làm việc quá tải nhiều tháng liền. Câu chuyện của anh đã khiến dư luận Nhật Bản dấy lên làn sóng kêu gọi cải cách văn hóa công sở, nhằm bảo vệ sức khỏe và cuộc sống của người lao động.
Cuộc sống vất vả của nhân viên trong video là hình ảnh phản ánh thực trạng mà không ít người Nhật đang đối mặt mỗi ngày. Dưới vẻ bề ngoài yên bình, nền văn hóa làm việc tại đây vẫn tồn tại những áp lực khắc nghiệt, thử thách sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động.