Biomass là vệ tinh đầu tiên trên thế giới dùng loại radar đặc biệt tên là P-band, có thể xuyên qua lớp tán rừng dày để thu thập thông tin bên trong cây như thân, cành và gốc – nơi chứa nhiều carbon nhất.
Radar này nằm trong một chiếc ăng-ten khổng lồ giống như chiếc ô. Ăng-ten sẽ mất 9 ngày để bung ra hoàn toàn trong không gian vì nó có cấu tạo rất phức tạp. Chiếc “ô radar” này được thiết kế để gửi sóng xuống rừng rồi thu lại tín hiệu phản hồi, từ đó tạo ra hình ảnh 3D về cấu trúc của rừng – gần giống như máy MRI quét cơ thể người.
Rừng được ví như “lá phổi xanh” của Trái Đất vì chúng hấp thụ khoảng 8 tỷ tấn khí CO₂ mỗi năm. Nhưng khi rừng bị chặt phá, lượng carbon đó sẽ thải ngược lại vào không khí, góp phần làm trái đất nóng lên nhanh hơn.
Vệ tinh Biomass sẽ giúp các nhà khoa học theo dõi chính xác lượng carbon trong rừng, biết được rừng nào đang bị phá, rừng nào đang phục hồi, và từ đó hiểu rõ hơn về tác động của con người đến khí hậu.
Ngoài rừng, vệ tinh Biomass còn có thể quét sa mạc, băng tuyết, và địa hình dưới tán rừng, giúp chúng ta hiểu hơn về cấu trúc bề mặt Trái Đất. Đây là công cụ cực kỳ hữu ích cho các nhà khoa học khí hậu và môi trường trong tương lai.